HOSE tham vọng với ‘Kế hoạch 100 ngày’ sau những lần nghẽn lệnh
(DNTO) - Trả lời phỏng vấn trên bản tin của VTV1, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, HOSE đang đặt kế hoạch tham vọng, tạm gọi là “Kế hoạch 100 ngày”, cùng đó là kỳ vọng về lưu lượng lệnh trên hệ thống giao dịch dự phòng sẽ đạt 3 - 5 triệu lệnh mỗi ngày.
Đây là tin vui cho những nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán trong nước. Những ngày đầu tháng 3, sự cố nghẽn lệnh trên sàn HOSE khiến thị trường chao đảo, như gặp "sóng lớn" khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại không nhỏ, niềm tin bị giảm sút. Đồng thời, uy tín của thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng ít nhiều.
Thị trường chứng kiến làn sóng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong 10 phiên liên tiếp, chuỗi bán ròng dài nhất của khối ngoại kể từ tháng 11 năm ngoái. Riêng trong ngày 3/3, khối ngoại đã buông tay bán ròng với giá trị gần 472 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư trong nước cũng hụt hẫng không kém, tâm lý bức xúc bao trùm khi lệnh mua, bán không được khớp khiến việc mua bán khó khăn.
Những ám ảnh đó dường như không dễ khiến các nhà đầu tư quên được. Tâm lý nơm nớp lo sợ “sống chung với nghẽn lệnh” ám ảnh thị trường.
Phân bổ lệnh, đội ngũ IT của Hose “không thể can thiệp để có thể thay đổi”
Trước câu hỏi của phóng viên VTV, rằng có hay không sự phân biệt giữa các công ty chứng khoán thành viên, khi nhiều nhà đầu tư không thể khớp lệnh, trong khi đó vẫn có nhiều nhà đầu tư khác khớp lệnh trơn tru, ông Lê Hải Trà cho biết: “Cơ chế phân bổ lệnh đó là thuộc tính của thiết kế và tính năng của hệ thống giao dịch”, do đó đội ngũ IT của HOSE “không thể can thiệp để có thể thay đổi”.
Giải thích cụ thể thêm về điều này, ông dẫn chứng, hiện HOSE có 74 công ty chứng khoán và việc nghẽn lệnh ảnh hưởng đến mỗi công ty là hoàn toàn khác nhau.
Với các công ty nằm trong Top 20, 30 vốn dĩ là các công ty lớn có thị phần lớn, có số lượng lệnh giao dịch lớn nhất trên thị trường thì sẽ chịu tình trạng bị quá tải sớm nhất trên thị trường.
Trong khi đó, với các công ty nhỏ hơn, khi lượng lệnh phân bổ gần 3.000 lệnh cho họ ngay từ đầu ngày có thể họ chưa dùng hết. Do vậy, khi mà tình trạng nghẽn diễn ra, các nhà đầu tư tại các công ty nhỏ vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường. Tuy nhiên với các công ty chứng khoán lớn thì không dễ dàng được như vậy.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư vẫn khớp lệnh dễ dàng, trong khi đó nhiều người khác lại không thể, gây nhiều bức xúc cho giới đầu tư trong những ngày đầu tháng ba vừa qua.
Kỳ vọng 3 triệu đến 5 triệu lệnh mỗi ngày?
Việc bắt tay giữa HOSE và Công ty FPT về một hệ thống giao dịch dự phòng nhằm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh đang được giới đầu tư chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng. Ông Lê Hải Trà gọi đây là kế hoạch tham vọng với tên gọi “Kế hoạch 100 ngày” của HOSE.
“Dự kiến khoảng một tuần hay 10 ngày nữa thì có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm phiên bản đầu tiên. Tôi xin nói rõ rằng đó là những thử nghiệm mang tính chất những tính năng của hệ thống khớp lệnh và nó sẽ dừng lại chỉ trong nội bộ để đảm bảo rằng các tính năng đó của hệ thống nó được thực hiện một cách trôi chảy”, ông cho biết.
Hiện HOSE vẫn chưa tính toán được chính xác số lượng lệnh mà hệ thống thử nghiệm này có thể đạt được, “Tuy nhiên, mục tiêu chúng ta đặt ra là một hệ thống đâu đó phải giải quyết được khoảng độ từ 3.000.000 đến 5.000.000 lệnh một ngày”, ông cho Lê Hải Trà cho biết.
Giải pháp nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Một thực tế cho thấy, trên thế giới hiện tượng nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán xảy ra không phải là hiếm, tuy nhiên khác biệt là sự cố trên thị trường chứng khoán ở các nước chỉ xảy ra trong một vài phút, cùng lắm là vài giờ, chứ không xảy ra trong thời gian dài như ở Việt Nam.
Câu hỏi được giới chuyên môn được đặt ra, mong muốn xây dựng một trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế tại Việt Nam liệu có thể thành hiện thực khi mà cơ sở hạ tầng còn nhiều nhiều vướng mắc, thậm chí còn chưa đáp ứng được những yêu cầu của một thị trường chứng khoán hiện đại.
Trả lời báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho rằng “Nếu hạ tầng công nghệ lạc hậu thì làm sao có thể kỳ vọng vào sự đổi mới của thị trường chứng khoán”.
Theo ông Thịnh, Việt Nam cần chú ý đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên sâu phụ trách kỹ thuật vận hành cho thị trường chứng khoán, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn bởi "dù cơ quan quản lý năm nào cũng kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, nhưng hệ thống hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không thể đáp ứng được".
Thậm chí ngay cách ứng xử của các cơ quan quản lý cũng được nhiều người đề cập. Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết:
Khi thị trường (chứng khoán) xảy ra sự cố, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư.
“Ở Việt Nam, nhà đầu tư chưa thấy ai, cơ quan nào đứng ra xin lỗi cả. Tôi cho rằng Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực chứng khoán nên đứng lên xin lỗi nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ nhìn thấy ông Thứ trưởng lên đánh cồng thôi”, ông Hải nói.