Hội đồng tư vấn du lịch sốt ruột vì nhiều doanh nghiệp muốn bỏ nghề
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế quy mô nhỏ đành phải tính tới bước chuyển ngành nghề kinh doanh.
Hơn 1/5 trong số khoảng 432 doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát về khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong Covid-19 đã nhắc đến phương án thay đổi lĩnh vực kinh doanh. Trong số này, 34% là doanh nghiệp lữ hành nội địa và 36% doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
“Nhiều doanh nghiệp nói sẽ không làm du lịch nữa, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Họ thấy không thể tồn tại được, nên phải dừng. Một số khác tìm cách liên kết với nhau. Bức tranh doanh nghiệp ngành du lịch sẽ có sự thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), người trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ.
Phần lớn doanh nghiệp cho rằng, sẽ thay đổi số lượng nhân viên, cơ cấu thị trường, khách hàng. Doanh nghiệp quy mô lớn và vừa trong các ngành lữ hành, ăn uống và vận chuyển nói nhiều đến sự thay đổi về dịch vụ, sản phẩm. Các phương án liên kết sản phẩm, liên kết doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp nhỏ coi là cách để có thể tiếp tục kinh doanh.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa dám nói nhiều về thời điểm phục hồi. Phần lớn hy vọng tình hình sẽ ổn định vào năm 2022, khoảng 58% doanh nghiệp chúng tôi khảo sát, nhưng cũng có tới 41% cho rằng phải chờ đến cuối năm 2022”, ông Chính cho biết.
Đây là lý do hầu hết các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giãn nộp, giảm thuế (88%); miễn hoặc hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn phí (86%) và Giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết (86%).
Doanh nghiệp lưu trú và ăn uống đề nghị được gảm giá điện cho cơ sở lữu trú, giảm giá thuê đất. Doanh nghiệp lữ hành (cả nội địa và quốc tế) muốn giảm tiền ký quỹ.
Gần 85% doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống lại chờ đợi được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất thấp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đề xuất đưa lao động du lịch vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng.
“Chúng tôi cứ tưởng họ sẽ nói đến việc giải phần gói hỗ trợ cho người lao động, nhưng không, họ quan tâm đến việc được chậm lại hoặc miễn giảm các khoản phải đóng. Nhu cầu là có dòng tiền đưa vào để phục hồi, chứ không còn là cứu vãn khó khăn nữa”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV làm rõ thông tin.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đang rất chờ đợi vào các kế hoạch hồi phục và phát triển du lịch nội địa, nhất là khi mùa du lịch năm 2021 đã đến.
"Chúng tôi đã thấy thông tin về sự gia tăng đột biến của khách du lịch, các kế hoạch xúc tiến du lịch của các địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã gửi khuyến cáo tới các doanh nghiệp về phòng chống dịch, đề nghị doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Chúng ta không thể chủ quan vào lúc này thì mới có thể tính các phương án phục hồi khác", ông Chính cho biết thêm.
Đây là lý do mong muốn bàn phương án mở cửa du lịch quốc tế dù đều được các doanh nghiệp nhắc tới, nhưng đều sau yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng dịch.
Cuộc khảo sát do Ban IV và Chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ thực hiện từ 25/3 đến 11/4/2021, ngay sau khi đợt dịch thứ ba của Việt Nam lắng xuống.
“Chúng tôi muốn có bức tranh thực về sức khỏe doanh nghiệp du lịch, các mong muốn, đề xuất của doanh nghiệp, để gửi Chính phủ các phương án mở của du lịch. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần có kịch bản cho mọi tình huống và phải bàn thảo với sự tham gia của các bên. Việc này cần làm sớm, liên tục”, ông Chính cho biết thêm.