Năng suất khu vực chế biến chế tạo và FDI 'kẹt' lại trong suốt 20 năm
(DNTO) - Năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và FDI không tăng theo thời gian mà “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay, không có sự tăng trưởng vượt bậc.
Ngày 28/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng”.
Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho biết, trong ba thập niên đổi mới và hội nhập Việt Nam (1990-2020), tương ứng có ba giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 1991-1995), tăng trưởng năng suất tăng vọt, một sự cởi trói cho hoạt động của doanh nghiệp. Năng suất tăng trưởng bình quân 5,7%. Sau đó có sự chững lại ở giai đoạn 2 (từ năm 1996-2012), tương ứng mức tăng năng suất 4,0%. Giai đoạn 3 (từ năm 2013-2019), là giai đoạn tăng trưởng năng suất phục hồi mức trung bình 5,5%.
“Có điểm đặc biệt, năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà lại “kẹt” lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay. Không có sự tăng trưởng vượt bậc. Đây là vấn đề chúng tôi lo lắng, là bất thường bởi chúng ta thường kỳ vọng FDI có hiệu quả cao và cạnh tranh, thâm dụng vốn và công nghệ”, ông Thành nói.
Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại tương ứng với khu vực chế biến chế tạo. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất lao động của khu vực tư nhân vẫn đều đặn.
Trong giai đoạn Covid-19, năng suất lao động khu vực nhà nước có cải thiện và hiệu quả rõ. Lý giải điều này, ông Thành cho biết, các doanh nghiệp khu vực nhà nước có thâm dụng vốn cao, nguyên tắc khi lượng vốn lớn thì năng suất lao động cao. Điều này có nghĩa, chúng ta phải xem xét năng suất vốn của khu vực nhà nước cao có nên hay không? Đặc biệt khi mà các lĩnh vực của khu vực nhà nước đều là lĩnh vực độc quyền.
Lý giải về việc tăng trưởng năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và FDI chững lại, ông Thành cho biết, trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc...). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp.
“Các doanh nghiệp FDI cũng coi Việt Nam là nơi diễn ra các công việc đơn giản và không có lý do gì để điều chỉnh chiến lược này. Thất bại chính sách và thái độ như vậy của các doanh nghiệp FDI là hai mặt của cùng một vấn đề”, ông Thành nhấn mạnh.
Nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam - một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình. Cùng với đó, thu hút FDI không tự động củng cố các doanh nghiệp trong nước hoặc kích hoạt sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước chủ nhà trước tiên phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
“Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giản đơn, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, ông Thành nói.
Làm gì để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam?
Với những phát hiện của nghiên cứu về khu vực chế biến chế tạo, FDI và tăng trưởng năng suất dựa trên tăng trưởng kinh tế, ông Thành đặc biệt bày tỏ lo lắng và đề xuất cần có một phong trào tăng trưởng năng suất một cách cương quyết. “Cần phải đưa những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động của VCCI lên mức cao hơn...”, ông Thành nhấn mạnh.
Về việc cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ ra một thực tế: Lao động Việt Nam không có đột phá; tăng trưởng năng suất lao động không ổn định, ví dụ FDI có năm xuống đáy, có năm tăng vọt. Ngoài ra, hiệu suất sử dụng vốn của chúng ta chưa tốt…
“Các chính sách của chúng ta rất yếu. Thủ tục hành chính phức tạp, vì thế đã giảm năng suất lao động. Chỉ 1 vấn đề nhưng giải quyết 6-9 tháng không xong. Thứ nữa, sự phối kết hợp giữa các bộ ngành rất lỏng lẻo… Những điều này góp phần kéo năng suất lao động của Việt Nam xuống”, ông Lực chỉ ra
Ông Lực cho rằng, để cải thiện năng suất lao động nhằm thu hút vốn FDI, cần thiết phải có cuộc cách mạng. “Thứ nhất, cần giao cho một bộ làm đầu mối để điều phối, giúp tăng năng suất cho Việt Nam mới ra chuyện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, giúp hiệu ứng dịch chuyển tăng lên. Thứ ba, muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, thì phải có kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo trong câu chuyện tăng năng suất”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Ngoài ra theo ông Lực, làm thế nào để tăng năng suất khối kinh tế tư nhân lên là điều đáng bàn. Vì bản thân doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ năng suất chưa cao, nguyên nhân là kỹ năng tay nghề và trình độ công nghệ thông tin của khối này rất thấp.
“Chúng ta phải hướng đến năng suất lao động xanh và bền vững, kinh tế xanh, tài chính xanh phải phát huy tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu kích cầu lực lượng lao động không chính thức sẽ tăng năng suất lao động. Cuối cùng là cơ chế động lực cho công viên chức, lực lượng hành chính công làm việc. Để họ có động lực làm việc tốt hơn, câu chuyện về lương cần chú ý. Bởi nếu làm tốt thì năng lực khối này sẽ nâng lên, vì họ là những người làm thể chế…”, ông Lực nêu giải pháp.