Trở ngại trong lĩnh vực bảo hiểm đối với doanh nghiệp FDI
(DNTO) - Các địa phương và doanh nghiệp FDI đều chú trọng thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Tuy nhiên, chính sách này còn có điểm bất cập.
Trở ngại ngôn ngữ khi đi khám BHYT
Mặc dù chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động thế nhưng với khối doanh nghiệp FDI, các chính sách an sinh xã hội còn có điểm bất cập. Vướng mắc điển hình là rào cản ngôn ngữ khi hiện nay chưa có quy định cơ sở khám chữa bệnh phải có cán bộ y tế biết ngoại ngữ để khám cho người nước ngoài. Giải pháp duy nhất hiện nay là khi lao động người nước ngoài đi khám thì mang theo phiên dịch.
Ông Chang Yong Jun - Quản lý cấp cao của một doanh nghiệp Hàn Quốc đóng tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp của ông có nhiều chuyên gia Hàn Quốc, khi sang làm việc có người mang theo cả vợ con và sinh sống nhiều ở Quận 7, TPHCM. Khi cần đi khám bệnh bằng BHYT tại các cơ sở được chỉ định thì họ gặp trở ngại lớn là không thể giao tiếp được. Trong khi đó, chi phí để khám chữa bệnh tại các bệnh viện có bác sỹ Hàn Quốc ở Quận 7 lại cao. Ở bên Hàn Quốc, chế độ bảo hiểm rất tốt nên khi đi bệnh viện hầu như chi phí phải trả khá thấp.
Ông Chang Yong Jun kiến nghị: “Tôi nghĩ rằng nếu bỏ chế độ đi khám tại bệnh viện mà được chỉ định có thể đi được bất cứ bệnh viện nào, sau này kèm theo hoá đơn hoặc chứng từ để được hưởng chế độ bảo hiểm thì quá tốt”.
Cần phải có cơ chế đóng, hưởng BHXH linh hoạt
Theo thống kê, đến tháng 3/2021 có gần 30.000 doanh nghiệp FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN với gần 5 triệu người tham gia. Tổng số tiền thu được lĩnh vực này đối với các doanh nghiệp FDI bằng 46,5% trong khối doanh nghiệp nói chung. Việc đảm bảo an sinh xã hội khối doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao cạnh tranh với doanh nghiệp khác, góp phần phát kinh tế - xã hội của các địa phương một cách bền vững.
Đến nay, 100% các dịch vụ công mức độ 4 đã được BHXH Việt Nam cung cấp với 15 dịch vụ công của ngành này và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta coi BHXH, BHYT là hai trụ cột quan trọng chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội. Theo ông Lợi, cần phải có cơ chế đóng, hưởng BHXH thật sự linh hoạt, dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người lao động giám sát được tiền đóng, quá trình thanh quyết toán tiền BHXH cho người lao động. Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội cần phải được cập nhật, cải cách kịp thời so với sự thay đổi của cuộc sống để giúp doanh nghiệp FDI và người lao động được hưởng quyền lợi một cách dễ dàng và đầy đủ.
“Thường xuyên điều chỉnh các chính sách khi có sự bất hợp lý, khi có những vấn đề người lao động kiến nghị thì Nhà nước phải điều chỉnh để chính sách BHXH thật sự công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, ngành bảo hiểm rất coi trọng cải cách thủ tục hành chính, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ và là thước đo đánh giá. Trước năm 2016, ngành bảo hiểm có 125 thủ tục hành chính, đến nay chỉ còn 25 thủ tục. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để triển khai thủ tục hành chính. Hiện nay ứng dụng bảo hiểm xã hội số trên nền tảng di động đã được triển khai và để phục vụ tốt hơn các doanh nghiệp FDI thì ngoài tiếng Việt, ứng dụng này còn có các phiên bản tiếng Anh và tiếng Hàn.
Theo ông Mạnh, thời gian tới ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ cùng doanh nghiệp FDI và người dân. Đặc biệt là ngày càng đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người lao động.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các kênh để tương tác giữa doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, tổ chức các hội nghị đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp về các vướng mắc, đồng thời có phản hồi về triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT” - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Trong bối cảnh các tỉnh thành kinh tế trọng điểm phía Nam đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài thì rất cần ngành bảo hiểm cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính lĩnh vực an sinh xã hội. Từ đó, góp phần để doanh nghiệp FDI thực hiện tốt hơn nữa những chủ trương, chính sách của ngành bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài và Việt Nam.