Họa sĩ 30 năm tạo “vết xé” cho quần jeans
(DNTO) - Bén duyên với nghề “xé quần jeans” nhờ tình cờ thấy được trang phục của nghệ sĩ nhạc Rock, chú Trương Tấn Viễn (58 tuổi, ngụ TP.HCM) đã 30 năm qua, vẫn miệt mài thực hiện công việc của mình, số lượng khách nhiều đến mức chú không nhớ nổi.
Chú Trương Tấn Viền trước đây vốn là một họa sĩ, nhưng do thu nhập từ nghề này không trang trải nổi cuộc sống nên chú quyết định chuyển sang “xé quần jeans” - một nghề chưa từng có trước đấy.
Chú Viễn chia sẻ: “Ngày trước do không trụ nổi nghề họa sĩ nên chú rẽ hướng sang làm nghề bán quần jeans để nuôi nghề, nuôi gia đình.Từ khi thấy các nghệ sĩ sử dụng những chiếc quần có vết rách biểu diễn thì chú thử làm và bắt đầu có khách đến mua”.
Chú Viễn cũng cho biết, cái nghề xé quần này tương tự như nghề hội họa, ngày trước thì chú vẽ lên quần, giờ là lấy dao rọc giấy xé quần jean, chủ yếu là ý tưởng. Năm 1997, chú bắt đầu chuyển qua hình thức kinh doanh.
Để cho ra đời những sản phẩm ưng ý, chú đã áp dụng kỹ năng hội họa và đôi bàn tay khéo léo của mình. Vào những năm 90s đã có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến đặt hàng chú làm.
Cũng theo chú Viễn, trước kia, những chiếc quần dạng rách chưa được công nhận nhiều và cũng ít được người chuộng vì ngại. Sau đó, khi các công ty thời trang dùng công nghệ để áp dụng thì có nhiều người lựa chọn như trào lưu và nhờ đó, chú cũng có lượng khách đông hơn.
Loại quần jeans xé theo dạng công nghiệp, máy móc thì ai cũng có thể có, nhưng để tạo mẫu độc, duy nhất thì đa phần khách hàng đều tìm đến chú. Ngoài ra, để tái sử dụng những chiếc quần jeans cũ thì việc xé theo sở thích để làm mới hơn cũng là giải pháp của nhiều người khi đến với chú.
Chú Viễn tâm sự: “Chú chưa từng nghĩ đến chuyện có người lăng xê cho chú, niềm vui lớn nhất là chỉ cần có người mặc trang phục của mình làm. Chú chưa từng quảng bá, chú nghĩ đây là nghệ thuật mà nghệ thuật sao có thể tính bằng tiền”.
Thu nhập hiện tại của chú không nhiều, trung bình mỗi tháng từ 8 -9 triệu, có tháng chỉ có 3 triệu, do hai con chú cũng đi làm nên chú còn trụ lại vì đam mê. Bên cạnh đó, từ những chiếc quần cũ chú tái chế thành ví, túi hay các sản phẩm mới lạ để khách hàng có thêm lựa chọn. Mỗi ngày, công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào 18 giờ.
Đối với những người muốn học nghề này, chú sẵn sàng hướng dẫn, chỉ dạy nhưng phải thực sự muốn theo nó. “Lúc trước, một người Mỹ đến học, nhưng học được 1 buổi rồi biến mất. Con chú cũng không ai theo nghề nên muốn học phải cần có khiếu thẩm mỹ, tuổi đã gần 60 chú chỉ muốn nghề này không mất đi”, chú Viễn tâm tình.
Thách thức lớn nhất với chú là không được sai sót, có khách đặt làm với chiếc quần lên đến hàng chục triệu đồng, vì thế nếu hư hỏng sẽ phải bồi thường rất cao và ảnh hưởng uy tín. Thế nhưng, chú vẫn nhận làm, điều quan trọng nhất cần hỏi ý kiến khách thật kỹ về hình của mảng xé, đánh dấu lại cho chuẩn, rọc phần đánh dấu nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có .
"Khi mình nói làm nghề xé quần jeans chẳng ai biết, chú nghĩ đây đúng là nghề độc lạ nhất Sài Gòn. Chú mong muốn có truyền nhân, sau này nghề xé quần jeans không còn độc lạ nữa ”, chú Viễn tâm sự.
Đến nay, tuy lượng khách dần ít đi nhưng người ta vẫn thấy chú Viễn mỗi ngày chăm chỉ thực hiện công việc độc đáo của mình. Cũng vì thế, vẫn còn những chiếc quần jeans thời trang được chính tay người họa sĩ này cho ra đời.