Vị bác sĩ chi hàng tỉ đồng để bảo tồn chim chào mào đột biến
(DNTO) - Với sở thích nuôi dưỡng chim chào mào và nhận thấy những dòng quý hiếm bị xuất ra nước ngoài nhiều, Bác sĩ nha khoa Võ Văn Nhân đã tự mày mò nhân giống, nuôi dưỡng loại chim này. Đến nay, ông đang sở hữu nhiều cá thể quý hiếm, cho dù giá cao cũng không bán.
Với công việc là một bác sĩ nha khoa, tính chất công việc có nhiều áp lực, vì thế ông Võ Văn Nhân (ngụ quận 10, TP.HCM), dành cho thời gian thư giãn của mình cho việc chăm sóc, bảo tồn chim chào mào đột biến quý hiếm, một loại chim mà ông thích từ nhỏ.
Ông Nhân tâm sự, những lúc đi làm về, bao nhiêu mệt mỏi, căng thẳng đều tan biến khi ông nhìn thấy những chú chim nhỏ chờ cho ăn và được nghe chúng hót...
Ông Nhân chia sẻ, trước đây, khi phong trào nuôi chim sinh sản, chim đột biến chưa phát triển, một số nghệ nhân chơi chim chưa có kiến thức về nhân giống và bảo tồn loại chim quý hiếm này. Vì thế, nhiều người đã săn lùng và xuất loài chim quý ra nước ngoài. Nhận thấy điều đó, ông Nhân cùng những người bạn có cùng đam mê đã ra sức giữ lại những dòng chim quý hiếm của Việt Nam để bảo tồn, giúp nó sinh sản, duy trì nòi giống độc lạ.
Sở hữu cho mình gần 100 cá thể chim chào mào đột biến quý hiếm thuộc nhiều loại khác nhau, trong đó có những dòng chỉ còn lại vài cá thể. Điển hình như 2 cặp chim chào mào bạch tạng Indo, cả nước có 8 cá thể, trong đó có 1 cá thể mái, bác sĩ Nhân may mắn sở hữu 2 cá thể để nhân giống. Ngoài ra, ông còn sở những những cá thể bạch tạng quý hiếm như bạch tạng mắt đỏ, bạch tạng chân đen mỏ đen, bạch tạng chân hồng mỏ hồng... cực quý hiếm và còn sót lại rất ít ở Việt Nam.
Những chú chim đầu tiên được ông nhập lại từ những người bạn trong giới chơi chim cảnh và một sô loại có gen quý hiếm được mua về từ Thái Lan. Có những giống quý hiếm ông Nhân bỏ ra tiền tỉ để có thể mang về và nhân giống bảo tồn.
Đã có nhiều người ngỏ ý mua lại những chú chim chào mào quý hiếm mà ông đang có, ông từ chối bán cho dù đã có người trả giá hàng tỷ đồng. Với ông Nhân, việc sở hữu đã khó và mục đích của ông không phải để kinh doanh nên dù thế nào cũng không bán.
Ông Nhân cho biết: “Trung bình một cặp chim sinh sản mất 1 năm. Có những chú chim 8 – 9 tháng có thể sinh sản được, có những chú mất thời gian 2 năm mới sinh sản. Ngoài ra, muốn tạo giống khác biệt với chim bố mẹ thì phải 3 năm mới lai tạo thành công”.
Hiện tại, ông Nhân có hàng trăm giải thưởng trong lĩnh vực chơi chim chào mào ở, hầu hết đều có mặt ở các thứ hạng trong Hiệp hội chim chào mào miền Nam. Vị bác sĩ cho biết, Giải thưởng vô địch Hội thi chim đột biến 2018 thuộc về chú chim “Sóc nâu” của ông, đây là giải thưởng ông ấn tượng nhất. Và hiện chú chim này đang được nhân giống và đã cho ra đời những “hậu duệ” sắc xuất.