'Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe'
(DNTO) - Trong khi cuộc khẩu chiến của nữ doanh nhân và anh “thần y” vẫn còn đang tiếp diễn thì một cuộc khẩu chiến khác giữa hai nam ca sĩ Cao Thái Sơn và Nathan Lee lại bùng phát, tiếp tục làm dậy sóng cộng đồng mạng. Chuyện văn hóa ứng xử lại một lần nữa được người ta đem ra bàn luận, mổ xẻ.
Chuyện bất đồng quan điểm hay ganh ghét, tranh chấp, đấu tố, cãi vã nhau của con người là chuyện bình thường vẫn hay xảy ra trong đời sống. Nhưng khi nó xảy ra với những người mà các hoạt động của họ có sức ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, là những người thuộc về công chúng, thì nó sẽ trở thành tâm điểm dư luận.
Văn hóa ứng xử trong giới showbiz
Gần đây các vụ ứng xử “có vấn đề” diễn ra trong giới nghệ sĩ như hành động, phát ngôn phản cảm, xúc phạm các bậc tiền bối, những vụ cạnh khóe, đấu đá, chửi bới, lăng mạ nhau một cách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là trên mạng xã hội… không còn là trường hợp hy hữu.
Khoan hãy bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, khoan hãy xem xét đến các động cơ tạo scandal, làm “chiêu trò” kiểu: “Ai kêu tui đó, có tui đây”, những phát ngôn ngông cuồng, phản cảm đã khiến “hình ảnh” của họ trở nên xấu xí, mất hình tượng trong lòng công chúng hâm mộ.
Xưa nay, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn được xem là người của công chúng. Với người nổi tiếng, sức lan tỏa và ảnh hưởng của họ trong xã hội càng sâu rộng. Khi họ mang đến những thông điệp tích cực sẽ làm lan tỏa giá trị sống tích cực. Ngược lại, khi họ có những hành vi, phát ngôn xấu thì những ảnh hưởng tiêu cực cho cộng đồng là khôn lường.
Trong thực tế, để đạt được hiệu quả tối ưu, khi cần lan tỏa một thông điệp hay kêu gọi một vấn đề gì, người ta hay mượn hình ảnh của những người nổi tiếng, được công chúng mến mộ và tin cậy trong giới showbit. Nổi rõ nhất qua việc ca sĩ Thủy Tiên, bằng sức ảnh hưởng của mình đã huy động được một số lượng tiền cực khủng để cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt miền Trung chỉ trong một thời gian rất ngắn hồi năm ngoái. Ngay cả các doanh nghiệp khi cần xây dựng một hình ảnh đại diện cho thương hiệu mình, họ cũng nhắm vào các anh chị em này.
Cho nên, bất kỳ hành động, lời nói nào của nghệ sĩ cũng sẽ ảnh hưởng tới công chúng. Người ta khó chấp nhận khi giới showbit dùng mạng xã hội làm nơi trút giận thông qua các cuộc khẩu chiến với những lời lẽ, thái độ không cân nhắc, thiếu chừng mực thậm chí kém văn hóa. Bên cạnh tài năng, người nghệ sĩ cần rèn luyện cho mình một phông văn hóa dày dạn để ứng xử với nhau, với người hâm mộ và với xã hội.
Văn hóa ứng xử trong cộng đồng
Không riêng gì giới showbiz, thực trạng thiếu văn hóa ứng xử trong cộng đồng hiện nay cũng rất đáng báo động. Một thực tế phổ biến là lợi dụng mạng xã hội để trút giận, để làm diễn đàn công khai đả kích, nói xấu, sỉ nhục, nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác bằng những lời nói tục tĩu, những phát ngôn gây sốc… Đáng kể còn phải nhắc đến những hiện tượng a dua bằng lời bình luận miệt thị, “ném đá’ tập thể theo hiệu ứng đám đông cả khi không hề đọc, xem sự việc.
Kết quả khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn nói xấu, phỉ báng gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chiếm tới 61,7%.
Còn trong gia đình, sự yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc “anh em như thể tay chân” trong nhiều trường hợp đã nhường chỗ cho sự tranh chấp, đấu đá nhau có khi chỉ vì một chút tài sản hay ảnh hưởng vị thế trong họ hàng, dòng tộc. Trên đường phố, người ta có thể chửi bới, đánh đấm thậm chí đâm chém nhau chỉ vì những va chạm không đáng. Trong quán ăn, thực khách sai khiến, mắng mỏ nhân viên chạy bàn… bằng những lời lẽ trịch thượng.
Đối với mỗi cá nhân, văn hóa ứng xử là thước đo giá trị của con người, quyết định thành công trong cuộc sống lẫn trong sự nghiệp của người đó. Qua cách ứng xử, bản chất tốt xấu của một con người sẽ được khẳng định. Dân gian có câu: “Người thanh, tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Hay: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Hoặc: “Người khôn ăn nói nửa chừng/Để cho người dại nửa mừng nửa lo”...
Tóm lại, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và biết ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, trong gia đình, làng xóm… nằm trong phạm trù đạo đức mà ai cũng cần phải trau dồi, rèn luyện.