Những chiếc máy leo dừa độc đáo
(DNTO) - Những chiếc máy dùng đế leo lên hái dừa, hái cau của anh Nguyễn Văn Hưng (Đồng Nai) đã được nhiều khách hàng khắp cả nước và các nước lân cận tìm mua bởi sự hữu dụng và thiết thực của nó.
Tìm đến anh trong lúc anh đang kiểm kê lại những “đứa con” vừa mới ra đời của mình, với nụ cười hiền hậu và chân chất, anh dẫn chúng tôi tới xem ở xưởng chất đầy những thiết bị leo dừa được lắp đặt hoàn chỉnh, đang chờ chuyển đến khách hàng.
Nhận thấy việc leo dừa hay cau là một vấn đề rất khó khăn đối với người nông dân, đặc biệt là những người dân các tỉnh chuyên canh tác về cây dừa, từ đó ý tưởng về một thiết bị hỗ trợ cho việc leo trèo ở những thân cây không nhánh như dừa, cau cũng được hình thành.
Khi thực hiện bản vẽ, ban đầu anh chỉ có ý định trưng bày tại cơ quan nhưng khi người dân đến tham quan thấy được sự hữu dụng từ công cụ này, họ liên tục hỏi mua, lại được lãnh đạo thúc giục nên anh quyết định làm thêm sản phẩm để bán cho những người dân có nhu cầu. Khởi điểm chỉ là bộ ngồi và sau đó bộ đứng được ra đời để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.
Anh Hưng cho biết, khi đến tiệm gia công máy, nơi này chỉ nhận gia công số lượng nhiều, anh quyết định đặt làm 10 bộ. Sau khi tặng vị khách “bất đắc dĩ” một bộ, quay video clip về cách sử dụng và để giới thiệu, đăng bán những bộ còn lại trên mạng xã hội, vài tuần sau, đã có những khách hàng đầu tiên.
Sau những lần quan sát các tiệm gia công sản phẩm của mình, anh nghiên cứu, chú ý để tìm ra những điểm cần khắc phục. Sau 6 năm kể từ khi ra mắt, với khoảng 10 lần sửa lỗi để tăng tốc độ khi di chuyển, làm giả cân nặng bộ khung cuối cùng cũng cho ra được sản phẩm như hiện tại.
Tuy vẻ bề ngoài rất đơn giản nhưng để có một sản phẩm hoàn thiện như hiện tại là những đêm thức trắng của chàng kỹ sư này.
Sau khi được một đạo diễn chương trình mời lên chương trình truyền hình tại miền Tây đã có rất nhiều người liên hệ đặt mua. Để giảm bớt được chi phí trong quá trình gia công và có thể chủ động xử lý, khắc phục nhược điểm của nó, từ việc đặt sản xuất ở bên ngoài anh Hưng đã tự học và tự làm tại nhà.
Quyết định nghỉ việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, bắt đầu con đường khởi nghiệp từ đây, anh Hưng gom góp được hơn 100 triệu đồng để đầu tư cho bài bản. Đây là số tiền tích góp của 2 vợ chồng từ ngày cưới, anh dùng toàn bộ số vốn này để mua máy móc, vật liệu và tự tay làm.
Hiện trung bình mỗi tháng anh Hưng bán ra thị trường từ 250 - 300 bộ thiết bị, với giá khoảng 750.000 đồng/bộ máy ngồi và 1.200.000 đồng/bộ đứng. Thu nhập đã lên đến vài trăm triệu đồng/tháng.
Thiết bị hỗ trợ leo dừa này được các thành viên Hội đồng khoa học chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đánh giá là an toàn, dễ sử dụng, giá phải chăng, giúp cho việc hái dừa hiệu quả, ít tốn sức khỏe và an toàn. Ngoài dùng cho việc leo dừa, cau thiết bị này còn được sử dụng để leo cột điện, cây thốt nốt và tất cả những loại cây không nhánh khác.
Đặc biệt, ưu điểm nổi bật của thiết bị này là phù hợp cho nhiều lứa tuổi. Hiện thiết bị đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến, đặt mua.
Chọn Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình, anh Hưng cho rằng mình rất may mắn khi có người vợ sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng mình trong những lúc gian khó.
Anh cũng cho biết, mùa dịch Covid-19 vừa qua, việc bán máy không bị ảnh hưởng nhiều, bởi đây là mặt hàng kinh doanh không bị hư hỏng, hết hạn như thực phẩm và cũng là mặt hàng thiết thực, gần gũi với người nông dân.
Tới đây, anh Hưng sẽ cho ra đời máy tách vỏ dừa khô để giúp bà con nông dân giảm nhẹ sức lao động và nâng cao năng lực sản xuất.