Hãy để 'Hoàng tử gió' theo gió bay đi
(DNTO) - Tin “Hoàng tử gió” tử vong với tư thế treo cổ trong một căn hộ chung cư trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa mới đây đã làm xôn xao giới "giang hồ mạng" và những ai “quan tâm” tới hiện tượng này.
Có thể nhiều người còn nhớ, tại phiên tòa xét xử Ngô Bá Khá (tức Khá "bảnh") cùng 5 đồng phạm khác vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc vào tháng 11 năm ngoái, "Hoàng tử gió" đã từng xuất hiện với vai trò người dự khán. “Hoàng tử gió” (SN 1992), tên thật là Hoàng Đức Nh. Năm 2013, khi đang làm quản lý quán bar tại Hà Nội, Nh. bất ngờ nổi lên trên mạng xã hội bởi gương mặt điển trai mang đầy chất thư sinh và thú “chơi mực” trên da. Nh. còn tham gia đóng MV ca nhạc, làm mẫu ảnh...
Chàng trai trẻ "Hoàng tử gió" là đàn em thân thiết với Khá "bảnh", Huấn "hoa hồng", các tay "giang hồ mạng" mà mọi người đã từng biết đến trước đây… và là bạn thân của nhiều "giang hồ mạng cộm cán".
Được biết đến là một "giang hồ mạng", Hoàng Đức Nh. từng livestream công khai cảnh sử dụng chất cấm trên mạng xã hội. Nh. còn thường xuyên lan truyền các hình ảnh về cuộc sống xa hoa, xe hơi sang chảnh; khoác lác về triết lý kinh doanh, mở khóa học dạy cách thức đầu tư làm giàu, hướng dẫn giao dịch trên Wefinex (mô hình cá cược núp bóng giao dịch tài chính)…
Cái tên "Hoàng tử gió" còn nổi lên bằng hàng loạt video "hổ báo" ghi lại cảnh đánh đấm, bạo lực. Buổi livestream nào của Nh. cũng được không ít cư dân mạng theo dõi và tung hô Nh. như "thần tượng".
Nguyên nhân đưa đến cái chết của “Hoàng tử gió” là do vỡ nợ cũng chỉ là một lời đồn đoán, phía sau vụ việc là chuyện của cơ quan điều tra. Nhưng con số 900.000 người theo dõi trên trang facebook cá nhân của Nh. là con số thật sự đáng “quan tâm”; con số thực sự có “giá trị” như hồi chuông báo động cho một lối sống thực dụng, sa đọa tràn lan trên không gian mạng; là lời cảnh báo cho lối sống lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ.
Thật ra “dân giang hồ” được biết đến như một bộ phận xã hội với những quan điểm và lối sống được xem là lệch chuẩn mực đạo đức xã hội là một hiện tượng không xa lạ gì. Nhưng khi giang hồ từ ngoài đời thật ào ạt bước vào không gian mạng thì sự nguy hiểm mà nó mang lại sẽ gấp nhiều lần hơn sự nguy hiểm của giang hồ ngoài đời. Đặc biệt là tác động của nó với giới trẻ, nhất là bộ phận các bạn trong độ tuổi vị thành niên. Bởi vì, không gian mạng là nơi các em rất dễ dàng tiếp cận.
Ở vào lứa tuổi mà nhân cách chưa hoàn thiện, chưa có sự kiểm soát và nhận thức đúng đắn mà lại có nhu cầu thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ sự khác biệt của mình, các em có những điều rất muốn nói, nhưng không dám nói hoặc không được phép nói. Vì vậy, khi được nghe các tay “giang hồ mạng” tỏ ra không sợ gì, nói năng bán mạng, các em như được “thay lời muốn nói”, thích thú và ủng hộ coi họ là anh hùng hảo hán của thời đại mới, dẫn đến việc bắt chước, học theo những hành vi, lời nói, điệu bộ của các “giang hồ mạng”, xem đó là "mốt" và không tiếc lời cổ xúy. Đây chính là hệ lụy không thể tránh khỏi của tình trạng "giang hồ mạng".
Trong bối cảnh thành phố cùng một số nơi vừa thoát khỏi giãn cách xã hội trong một thời gian dài, bắt đầu khởi động lại nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, trong khi người lớn thì đi làm mà trẻ con lại chưa được đến trường, sự bất cập này sẽ dẫn đến bố mẹ không có thời gian quan tâm, quản lý sát sao các con. Trong hoàn cảnh như vậy, việc chúng ta khơi gợi quá nhiều về cái chết của “Hoàng tử gió”, về thế giới của “giang hồ mạng” là không cần thiết vì nó sẽ gây cho trẻ sự tò mò và mất phương hướng.
Trong khi cuộc sống còn nhiều vấn đề thiết thực cần hướng tới; trong khi có rất nhiều người thật sự là anh hùng xông pha không quản ngại nơi tuyến đầu phòng chống dịch; trong khi có nhiều bạn rất trẻ từ phương Bắc, từ miền Trung, từ cuối trời Tổ quốc tập trung vào tâm dịch Sài Gòn làm tình nguyện viên tham gia chống dịch… thì có lẽ chúng ta không nên bận tâm, mất thời gian quá nhiều vào những nhân vật, sự việc không thực sự mang lại những giá trị vật chất, tinh thần, lợi ích chung cho xã hội.
Mỗi người chúng ta sống trên đời cần có một định hướng, một lý tưởng sống sao cho phù hợp với đạo lý, với quy định luật pháp và có ích cho bản thân gia đình xã hội. Dù sao người Việt Nam có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, hãy để Hoàng tử gió theo gió bay đi.