Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản
(DNTO) - Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản (chiếm 8,8% tổng số chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản của cả nước) với 70 điểm bán hàng.
Ngày 17/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về "Kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản (chiếm 8,8% tổng số chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản của cả nước) với 70 điểm bán hàng.
Ngoài ra, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cung cấp nông sản cho Hà Nội cũng xây dựng được 786 chuỗi, chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước, với 670 điểm bán hàng.
Về xây dựng nông thôn mới, hiện nay, Hà Nội có 12/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó huyện Đan Phượng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,3%, trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, chợ đầu mối có vai trò quan trọng giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Chỉ khi có chợ đầu mối mới kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát trách nhiệm của người cung cấp nông sản, thực phẩm vào chợ đầu mối.
Do đó, Hà Nội mong Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng các chợ đầu mối quy mô lớn cấp vùng. Cùng với đó, Hà Nội đang thúc đẩy xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc lớn, các nhà máy giết mổ, chế biến thịt hiện đại, thành phố mong Bộ NN&PTNT giới thiệu các doanh nghiệp vào hợp tác.
Về xây dựng nông thôn mới, thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện. Huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn để công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, chủ trương của ngành nông nghiệp không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu mà các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng sẽ tiến tới cấp mã số vùng trồng, sản xuất an toàn. Thứ trưởng Nam đề nghị Cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, và Sở NN&PTNT Hà Nội cần xác định chủ thể tham gia chuỗi để có hỗ trợ cụ thể.
"Chỉ nên xây dựng các chuỗi ở một số lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản chứ không làm dàn trải. Mô hình đã xây dựng là phải thành công", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, về các tiêu chí công nhận xã, huyện nông thôn mới đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu cho giai đoạn 2021-2025, ông Nam cho biết, trong trường hợp huyện Đan Phượng đã đảm bảo các tiêu chí đặt ra, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương sẽ đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Trung ương để đánh giá công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của cả nước, rút kinh nghiệm cho các địa phương khác...