Góc nhìn hiện thực xã hội qua 12 tác phẩm vào chung khảo giải thưởng 'Văn học tuổi 20' lần 7
(DNTO) - 12 tác phẩm vào chung khảo (6 truyện dài, 6 truyện ngắn), được chọn từ 511 tác phẩm gửi dự thi giải thưởng "Văn học tuổi 20" lần thứ 7, năm 2022 với chủ đề: Tuổi 20 hôm nay - Cuộc sống và Góc nhìn, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.
Theo ông Dương Thành Truyền, nguyên Trưởng ban tổ chức Giải thưởng "Văn học tuổi 20", 12 tác phẩm được công bố vào chung khảo là các tác phẩm xứng đáng có mặt trên kệ sách của Tủ sách Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, để được đến trực tiếp với công chúng.
"Năm nay không có các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, về lịch sử dân tộc, về tín ngưỡng dân gian với bút pháp sử thi, kỳ ảo, xuyên không…, cùng hệ thống chi tiết đồ sộ như vài lần trước. Độ dày mỗi cuốn sách lần này không lớn. Các tập truyện ngắn đương nhiên là… ngắn. Các truyện dài cũng chỉ… vừa đủ dài để thành truyện dài. Cầm trọn bộ sẽ thấy nhẹ tay! Nhưng khi đọc xong, chúng tôi tin chắc rằng, sức nặng của hiện thực từ những trang sách này sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc".
Mục đích chính của cuộc vận động sáng tác là để phát hiện và nuôi dưỡng những cây bút trẻ, cây bút mới, cũng như khơi gợi – tạo một sân chơi cho các bạn trẻ đam mê sáng tác gửi gắm đứa con tinh thần của mình. Giải thưởng có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của các tác giả dự thi, cái chính là sự khẳng định mình và tạo đà cho những bước tiếp theo trên con đường văn chương.
Giải thưởng "Văn học tuổi 20" lần 7, với chủ đề: Tuổi 20 hôm nay - Cuộc sống và Góc nhìn, nhận bản thảo từ ngày 1/1/2019 – 30/10/2021. (Ban đầu, thời hạn cuối nhận bản thảo là 30/5/2021. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu từ những người sáng tác nên BTC đã kéo dài đến ngày 30/10/2021.)
Theo đó các tác phẩm: Kẻ săn chuột (Phã Nguyện), Ngủ ngon nhé nàng thơ (Dương Quỳnh), Cõi người mắc cạn (Hoàng Khánh Duy), Có thú dữ trong thành phố (Nguyên Nguyên), Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh), Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng), Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng), Nửa lời chưa nói (Duy Ân), Bí mật bóng tối (Đinh Thành Trung), Lũ chim thích chọn cành khô (Mai Thanh Nga), Chopin biến mất (Hiền Trang), Vụn ký ức (Yang Phan)..., tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của những người viết trẻ – viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc.
Bằng cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn bởi học thức và trải nghiệm, họ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân. Họ khao khát trả lời những câu hỏi: “Vì sao?”, “Tôi là ai?”, “Thế giới này tại sao như vậy?”.
Họ mang theo những ám ảnh: Ám ảnh về nguồn cội, về tâm linh trong đời thực, về quá khứ trong kỳ vọng đến tương lai, ám ảnh về ký ức trong hành trình thay đổi số phận, về những tổn thương tinh thần và khát vọng được chữa lành, về trách nhiệm cá nhân trong thực tại bất lực trước những thế lực vượt sức con người…
Và cùng với đó là những chất liệu được khai thác từ âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, từ triết học, ngôn ngữ học, tâm lý học… được tái tạo, được biểu tượng hóa thành dòng chảy văn chương trong sự kết nối không ngừng của liên tưởng và ngôn từ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà XB Trẻ cho biết, qua 7 lần tổ chức, tổng số tác phẩm dự thi là 2.133 tác phẩm, trong đó số lượng tăng dần qua mỗi lần tổ chức . Điều này chứng tỏ Cuộc vận động sáng tác hay giải thưởng này đã khẳng định được mình và đặc biệt dòng chảy văn học trong cuộc sống chúng ta hôm nay vẫn chảy và không ngừng lớn mạnh.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc sáng tác. Các tác phẩm của khoảng hơn 2.000 tác giả dự thi trong 28 năm qua không chỉ đậm chất văn chương mà còn vẽ lên được chân dung của thế hệ mình. Bởi viết cho hay viết về tuổi đôi mươi chính là cách các tác giả thể hiện và chia sẻ tiếng nói của mình cho những người cùng thế hệ.
Từ cuộc vận động sáng tác bước ra, có những tác giả đã có tên tuổi trên văn đàn, có tác giả rẽ sang hướng khác, nhưng nhiều tác giả vẫn còn tiếp tục sáng tác hay làm việc trong cách lĩnh vực có liên quan đến sáng tác và sách vở.
12 tác giả của các tác phẩm vào Chung khảo có ngành nghề đa dạng, từ giáo viên, nhà báo, nhà văn, kỹ sư, đến... kinh doanh cà phê, hoặc đang làm nghiên cứu sinh. Các tác giả sống trải dài khắp ba miền Bắc, Trung Nam, từ Hải Dương, Hà Nội, Quảng Trị đến TPHCM, An Giang... Trong đó có 3 tác giả đã từng hoặc đang học tập, sinh sống ở nước ngoài.
Chính sự đa dạng trong độ tuổi, ngành nghề, nơi sinh sống, chất liệu viết, lối viết … đã giúp cho 12 tác phẩm được các giám khảo sơ khảo chọn lựa phản ánh được phần lớn cuộc sống và quan tâm của tuổi 20 hôm nay, như đúng chủ đề của giải thưởng.
Đó là trách nhiệm của người trẻ trước cuộc sống và xã hội, là vấn đề môi trường, chữa lành tâm lý. Đó là những thân phận dưới đáy xã hội, những áp lực của cuộc sống công sở, hay cuộc mưu sinh nơi thành thị. Hay đó chính là văn chương, ngôn ngữ và nghệ thuật được chính các tác giả chọn làm đề tài. Tất cả được các tác giả thể hiện qua lối viết khá đa dạng, chỉn chu, mới mẻ và hiện đại.
Hiện tại, Ban giám khảo Chung khảo đang làm việc và dự kiến buổi tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 24/5/2022.
Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do Hội Nhà văn TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức lần đầu tiên năm 1994-1995, đến nay qua 7 lần tổ chức đã gặt hái những thành tựu đáng khích lệ và ngày càng khẳng định uy tín trên văn đàn.
Qua 7 lần đó, Ban tổ chức cũng đã có những thay đổi để phù hợp với xu hướng sáng tác và phù hợp với thời đại. Ở Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5, BTC đã chọn cách hiển danh các tác phẩm dự thi, và chấp nhận cả những tác phẩm sáng tác đăng trên Blog.
Năm 2019 Hội Nhà văn TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ không còn đồng hành cùng NXB Trẻ. Và năm 2019, NXB cũng đã đổi tên Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 thành Giải thưởng Văn học tuổi 20.
Ban giám khảo chung khảo gồm các thành viên: PGS.TS.Ngô Văn Giá; PGS.TS. Nguyễn Thành Thi; Nhà báo Thúy Nga; Nhà văn Phan Hồn Nhiên; Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.