Để văn nghệ nước nhà tươi mãi sắc xuân
(DNTO) - Văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong các loại hình văn hóa, nghệ thuật biểu diễn đóng một vai trò quan trọng, là phương tiện truyền bá văn hóa và giáo dục tư tưởng lối sống đạo đức một cách hữu hiệu nhất.
Khi văn hóa bị “bỏ quên” trên con đường phát triển kinh tế
Từ năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới, văn học nghệ thuật nước nhà đã vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nghệ thuật biểu diễn cũng chịu những áp lực lớn từ các khâu sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, đến công chúng.
Các đơn vị nghệ thuật có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng, đòi hỏi các nghệ sĩ, ca sĩ, đoàn nghệ thuật luôn phải đổi mới tiết mục, hình thức biểu diễn, trang thiết bị kỹ thuật. Nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân ra đời hoạt động có hiệu quả, làm thay đổi bức tranh “mậu dịch” của đời sống văn nghệ.
Quy luật giá trị đã phát huy tính năng động trong hoạt động biểu diễn thì lợi nhuận tối đa và tính chất thương mại hóa nghệ thuật đã trở thành mục tiêu kiếm sống, làm giàu cho một số nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật. Kết quả là sinh ra những sản phẩm tạp kỹ thập cẩm, bi lụy, tấu hài rẻ tiền… thiếu tính nghệ thuật, mang nặng tính thực dụng.
Nghịch lý là những loại chương trình này lại được một bộ phận công chúng đón nhận, sẵn sàng bỏ tiền để mua vé giá cao, khiến môi trường văn hóa bị rối loạn, thước đo giá trị nghệ thuật bị đảo lộn, lệch chuẩn.
Không phải mọi lúc, mọi nơi việc tăng trưởng kinh tế đã song hành với phát triển văn hóa, thậm chí văn hóa còn bị “bỏ quên” trên con đường phát triển kinh tế. Đã đến lúc phải xác định rõ vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội và dành nhiều nguồn lực kinh tế (nhà nước, tư nhân, xã hội hóa) để làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển văn hóa.
Cần xác định rõ nghệ thuật biểu diễn là hoạt động công ích hay hoạt động kinh doanh. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhằm phục vụ chính trị hay là một phương tiện để sinh lời thông qua các hình thức giải trí đơn thuần.
Nếu vì mục đích vụ lợi (kinh doanh) thì phải chấp nhận cạnh tranh và phải phụ thuộc vào thị trường. Nếu là hoạt động không vụ lợi (phục vụ chính trị, xã hội) thì cần phải có chính sách tài trợ thích đáng của nhà nước thì hoạt động biểu diễn mới tồn tại và phát triển được.
Kinh tế và văn hóa là hai phạm trù không thể tách rời
Giữa hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa có 2 quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, kinh tế thuộc lĩnh vực vật chất, phục vụ cho những mục tiêu, nhu cầu thực tế và sinh ra tiền. Còn văn hóa là hoạt động của lĩnh vực tinh thần, phục vụ cho những mục đích chính trị, tuyên truyền, nghệ thuật. Kinh tế và văn hóa không có quan hệ với nhau?!
Quan điểm ngược lại thì cho rằng hoạt động văn hóa cũng là hoạt động kinh tế, chịu tác động của các quy luật kinh tế, quy luật thị trường như là sản phẩm vật chất khác. Quan niệm này dẫn đến việc coi hoạt động văn hóa chỉ là kinh doanh đơn thuần, coi nhẹ thậm chí bỏ qua chức năng nghệ thuật, mục đích chính trị.
Cả 2 quan điểm trên đều chưa hiểu đúng về bản chất hoạt động nghệ thuật.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động biểu diễn nghệ thuật không thể không tính đến các yếu tố kinh tế. Kinh tế là một yếu tố khách quan tồn tại trong hoạt động văn hóa.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một loại hình lao động dịch vụ của xã hội, góp phần gia tăng tổng sản phẩm của xã hội. Hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ góp phần vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Việc thu thuế từ các buổi biểu diễn của các cá nhân nghệ sĩ và thu phí bản quyền tác giả đối với đơn vị sử dụng tác phẩm là nguồn thu lớn bổ sung vào ngân sách Nhà nước. Số tiền thu được sẽ sử dụng để giải quyết vấn đề tác quyền với các tác giả, một phần tái đầu tư sáng tạo theo hình thức đặt hàng và đầu tư vào một số lĩnh vực cần hỗ trợ như Giao hưởng, Nhạc kịch, Vũ kịch, sân khấu cổ truyền dân tộc…
Bảo tồn và quảng bá các loại hình nghệ thuật dân tộc là cần thiết. Bên cạch đó nhà nước cũng cần đầu tư vào các loại hình nghệ thuật kinh điển như kịch nói, giao hưởng, ba lê… nhằm phát triển hài hòa giữa các loại hình dân tộc và hiện đại, giữa cổ và kim, đó là những điều kiện cần thiết để “cây” văn nghệ nước nhà đâm chổi nảy lộc, tỏa hương thơm ngát cho đời và tươi mãi sắc xuân.
Muốn đổi mới hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cần nhìn vào yếu tố con người. Nghệ sĩ cần được tôn trọng, đề cao và phải có những chính sách đãi ngộ xứng đáng để khơi dậy niềm đam mê, phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của họ.