Những ngày tháng khốc liệt trong 'Cây kèn và chiếc khẩu trang'
(DNTO) - Ấn phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang” là tập hợp những sáng tác của văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày chiến đấu cùng dịch bệnh vừa qua, do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện.
Trong buổi ra mắt tác phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM phối hợp cùng NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức ngày 15/2, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM đã nhắc lại những ngày tháng đã qua không thể nào quên của người dân thành phố
"Đó là những tháng ngày gian nan, khốc liệt nhất mà Thành phố Hồ Chí Minh phải trải qua. Những tháng ngày này có lẽ đã thật sự trở thành ký ức khó phai mờ với người dân cả nước! Dịch Covid–19 đã lấy đi của chúng ta cuộc sống bình yên và gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, sức khoẻ, mạng sống của người dân".
Chưa bao giờ mảnh đất vốn được mệnh danh là đất lành chim đậu lại phải chứng kiến cuộc rời đi khổng lồ của hàng triệu mảnh đời từ khắp mọi miền đất nước đã gắn bó với nơi đây trong giấc mơ đổi phận.
Bây giờ dịch bệnh mới chỉ đang dịu bớt ở nơi đây. Giữa bộn bề sắp xếp lại cuộc đời mỗi con người cùng bao tất bật của những trăn trở khôi phục và phát triển kinh tế, chúng ta cũng chỉ tạm lắng lòng nhìn lại.
Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, văn nghệ sĩ đã nhập cuộc cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố ngay từ những ngày đầu. Rất nhiều nghệ sĩ đã quên mình, lăn xả bất chấp hiểm nguy đem hàng hóa lương thực, vác từng bình oxy từ các nguồn tự khai thác đến với những căn hộ đang kêu cứu. Trong hàng trăm bếp ăn từ thiện hình thành ở khắp thành phố, có không ít bếp do nghệ sĩ tổ chức.
Thậm chí, giữa sân bệnh viện dã chiến với mấy ngàn người bệnh cùng các y bác sĩ đang nỗ lực giành giật sự sống, tiếng kèn, tiếng ca của các ca sĩ, nghệ sĩ sau lớp khẩu trang vút lên niềm yêu thương, động viên, chia sẻ, lay động lòng người, thôi thúc ý chí vượt qua nghịch cảnh.
Nhiều nghệ sĩ đã kiệt sức, nhiễm bệnh trên hành trình thiện nguyện ấy và có người đã ra đi trong niềm thương tiếc của cả cộng đồng.
Từ trong bão táp đó, các tác phẩm VHNT đã ra đời với nhiều cảm xúc. Những hoạt động sáng tác kịp thời được tổ chức chính là nơi hội tụ của các tên tuổi, người sáng tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và cả những tác giả không chuyên; đã trở thành nơi chia sẻ, gửi gắm tình cảm yêu thương, tri ân những hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ và các lực lượng xung phong trên tuyến đầu chống dịch.
Các tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố đã thể hiện tinh thần hiệu triệu mạnh mẽ, kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; nghĩa tình, sẻ chia trong giai đoạn hết sức khó khăn của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Tập ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang bao gồm 194 tác phẩm thuộc 5 loại hình văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh, được tập hợp trong một thời gian rất ngắn.
Ấn phẩm này cũng là những tình cảm yêu thương, tốt đẹp nhất ngợi ca vẻ đẹp về tình người, về lòng nhân ái đã tỏa sáng hơn bao giờ hết trong những tháng ngày đùm bọc nhau giữa cơn đại dịch.
Có những tác phẩm ca ngợi sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu đầy xúc động như: “Chào mẹ” (thơ: Kim Quyên), “Người lính trẻ lần đầu vào thành phố” (thơ: Huỳnh Dũng Nhân), “Cảm ơn những bàn tay” (thơ: Hồ Tịnh Văn, nhạc: Yên Lam), “Mai con trở về” (thơ: bác sĩ Y Tuin Niê, nhạc: Y Jang Tuyn), “Người mẹ thứ 2” (tranh màu nước: Nguyễn Nguyên),…; những tác phẩm rất ấm áp tình người kể về sự san sẻ, đùm bọc nhau trong những ngày tháng gian nan: “Niềm tin chiến thắng” (kịch: Nguyễn Thanh Bình), “Ấm áp cây gạo nghĩa tình” (ca khúc: Đặng Quang Vinh)…
Bên cạnh đó là những tác phẩm nhắc về nỗi đau đớn, mất mát trong đại dịch làm lòng người nhói đau, quặn thắt như: “Đứng dậy đi em”, “Chào đời mồ côi” (ca khúc: Vũ Hải Long), “Ba mẹ con đâu?” (ca khúc: Lê Đình Dũng), “Những linh hồn đang bay” (thơ: Trần Mai Hường), “Nỗi đau Covid-19” (nhiếp ảnh: Kiều Anh Dũng)…
Tuy nhiên, trong đớn đau, mất mát, người dân thành phố vẫn rất kiên cường, lạc quan với thông điệp “Niềm tin chiến thắng” sẽ không xa mà các nghệ sĩ của chúng ta đã gửi gắm qua những lời thơ, ý nhạc, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: “Viết từ tâm dịch” (truyện ngắn: Bích Ngân), “Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng” (ca khúc: Nguyễn Ngọc Thiện), “Sài Gòn hãy vững tin” (ca khúc: Bích Liễu), “Việt Nam chiến thắng” (nhiếp ảnh: Hoàng Bích Nhung), “Thắp tin yêu” (sơn dầu: Trần Văn Mạnh)…
Các tác giả đã viết bởi chính họ là người trong cuộc, đang cùng sống và chiến đấu với một niềm tin gửi gắm trong chính tác phẩm của mình về một tương lai tươi sáng của thành phố chúng ta. Và hôm nay, trong tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại sự mạnh mẽ như những câu thơ của nhà thơ Lê Tú Lệ:
“Sẽ có một ngày saxophone ngân lên, khẩu trang rơi xuống. Hãy mạnh mẽ lên tôi ơi. Như bao đời Sài Gòn mạnh mẽ. Và đêm nay sẽ qua, sẽ qua”.
Ấn phẩm đặc biệt này là lòng tri ơn vô hạn của giới văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đối với các y bác sĩ, tình nguyện viên, công an, quân đội, những người của tuyến đầu chống dịch đã hy sinh quên mình vì tính mạng, sức khỏe của người dân thành phố.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật này cũng là để tưởng nhớ và gởi gắm sự tiếc thương tới anh linh những người đã khuất trong cơn đại dịch, trong đó có 42 văn nghệ sĩ mà nhiều gương mặt từng là những “tên tuổi lớn” góp phần làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật thành phố.
"Chúng ta thật cảm động khi Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, phổ biến tác phẩm văn học - nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chỉ trong vòng hơn 4 tháng phát động đã thu hút được gần 2000 tác phẩm tham gia ở các thể loại, cho thấy tình cảm to lớn của nhân dân cả nước hướng về thành phố thân yêu.
Trong đó có rất nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng tốt trong tập sách “Cây kèn và chiếc khẩu trang” của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Tổng hợp phát hành mà hôm nay được ra mắt thật trang trọng.
Những yêu thương vô hình nhưng luôn tồn tại trong cuộc sống hôm nay, sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành động lực cho mỗi chúng ta, biến thành khát vọng góp phần làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc.
Và riêng tôi, có lẽ giai đoạn này, từ “hạnh phúc” được cảm nhận rõ ràng nhất. Tôi muốn lan toả nó cho những người xung quanh mình, xin cảm ơn các văn nghệ sĩ - chiến sĩ của Thành phố mang tên Bác với ấn phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang” cùng những đóng góp khác cho thành phố thời gian vừa qua!"
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM