Giáp tết: Cước vận tải tăng cao, hãng tàu hủy chuyến liên tục, chuỗi cung ứng áp lực nặng nề
(DNTO) - Hoạt động vận tải hàng hóa quốc tế vẫn đang rất khó khăn vào những ngày cận Tết Nguyên đán khi tỷ lệ hủy chuyến tăng cao, giá cước vận chuyển tuyến châu Á – Bờ Tây Mỹ hay từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng đột biến.
Gánh nặng vận tải tiếp tục đè đầu doanh nghiệp
Bước vào đợt cao điểm mua sắm trước Tết Nguyên đán, tại tuyến vận chuyển Trung Quốc đi các nước Đông Nam Á, theo Chỉ số Vận chuyển hàng hóa container Ninh Ba, cước vận chuyển đã đạt mức cao nhất trong lịch sử và cao gấp 10 lần so với trước đại dịch.
Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng 12/2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Ninh Ba - Chu Sơn đến Thái Lan và Việt Nam tăng 137%; đến Singapore và Malaysia tăng 49%.
Giá cước vận chuyển trọn gói ở mức 18.000 - 19.000 USD/FEU từ Đông Nam Á đến Bờ Đông Bắc Mỹ, và 15.000- 18.000 USD/FEU đối với Bờ Tây Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao cũng không kinh khủng bằng việc thiếu chỗ, thiếu container rỗng vẫn trầm trọng ở hầu hết các tuyến vận tải biển quốc tế, khiến nhiều chuyến tàu buộc phải hủy bỏ.
Cập nhật thị trường vận tải container quốc tế tuần 3/2022 của Sàn giao dịch logistics quốc tế tại Việt Nam Phaata cho thấy rõ tình trạng này.
Cụ thể, tuyến châu Á - Bắc Mỹ, việc tắc nghẽn tại LA/LB nghiêm trọng khiến các hãng vận tải biển đang hạn chế đặt chỗ đến các địa điểm giao hàng nội địa từ các cảng bờ Tây Mỹ. Biến thể Omicron của Covid-19 khiến 10% số công nhân ở nhà. Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa trước Tết Nguyên đán khiến một số chủ hàng sẵn sàng trả mức giá cước cao ngất ngưởng để có được chỗ, đã đẩy mức trần của giá cước vận chuyển lên cao hơn nữa.
Tuyến vận chuyển châu Á – châu Âu, theo Phaata, giá cước của một số hãng tàu đã tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 1 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Chỗ và container thiếu trầm trọng khiến việc hủy và bỏ cảng thường xuyên xảy ra.
Trên các tuyến chính bao gồm xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương và Á-Bắc Âu và Địa Trung Hải, có đến 73 chuyến tàu bị hủy đã được công bố trong khoảng thời gian từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 năm 2022, trong tổng số 553 chuyến tàu đã được lên lịch trình, chiếm tỷ lệ 13%. Trong giai đoạn này, dự kiến sẽ có 64% các tàu bị hủy chuyến trên tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương, với các cảng đến chủ yếu là ở Bờ Tây nước Mỹ, theo Drewry.
Giới phân tích nhận định, mùa mua sắm cuối năm là cao điểm của các tuyến vận tải biển ở châu Á, do nhu cầu hàng hóa tăng cao trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, thị trường vận tải biển ở khu vực này ngày càng gặp nhiều áp lực do biến chủng mới Omicron của dịch Covid-19, với tốc độ lây lan nhanh, đang ngày càng làm trầm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt chỗ
Trong suốt 2 năm dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu liên tục phải đối diện với tình trạng cước vận tải tăng cao, khó khăn khi đặt chỗ. Đặc biệt, dịch ngày càng diễn biến phức tạp khiến tình trạng hủy chỗ ngày một tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và làm lỡ hàng loạt công đoạn sau đó.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đang phải gồng mình để gánh cước vận tải tăng cao, đồng thời cũng đã áp dụng hàng loạt biện pháp như giãn, hoãn thời gian giao hàng. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu container còn tiếp tục kéo dài trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng thu không đủ chi cho vận chuyển và các chi phí khác.
Trước tình hình đó, bà Tracy Đào, Giám đốc Thương mại, Công ty Cổ phần Bee Logistics, đại diện cho đơn vị cung cấp giải pháp vận tải biển khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động trong việc đặt chỗ, tối ưu nhất là nên đặt trước ngày tàu chạy dự kiến ít nhất 4-6 tuần trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp nên cân nhắc chuyển đổi từ dịch vụ tiêu chuẩn sang dịch vụ đảm bảo "premium".
Còn ông Nguyễn Gia Lâm, đại diện một đơn vị vận tải cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng lên tàu). Điều này giúp người mua hiểu tình hình và doanh nghiệp hạn chế hao tổn khi giá cước biến động quá nhiều, vì khi tính giá cước có thể chỉ khoảng 3.000 USD nhưng khi giao hàng đi thì giá cước có thể lên tới 5.600 USD.
Bên cạnh đó, tuỳ theo mặt hàng doanh nghiệp đang kinh doanh mà nghiên cứu việc xuất khẩu vào từng thị trường. Ví dụ, hàng giá trị thấp mà hiện tại vẫn xuất sang châu Âu, châu Mỹ là khá vô vọng.
“Dù sao thì giá cước vận chuyển sang năm 2022 có thể tăng nhẹ nhưng chắc sẽ không ở đỉnh như thời gian vừa rồi nữa”, ông Lâm dự đoán.