Cả châu Á đang thiếu container, doanh nghiệp Việt chống đỡ bằng cách nào?
(DNTO) - Tình trạng thiếu hụt container vẫn đang tiếp tục trầm trọng trong khi các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, để ứng phó, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt các kịch bản cho vận chuyển hàng hóa.
Chủ động trong sản xuất và tìm nhà vận chuyển
Theo cập nhật từ Phaata.com – Sàn Giao dịch Logistics Quốc tế tại Việt Nam hôm 18/12, tất cả các nước châu Á đang thiếu hụt container trầm trọng. Chỗ dự kiến rất khan hiếm trên tuyến vận chuyển châu Á – châu Âu, châu Á – Bắc Mỹ và ngược lại đến cuối năm 2021 và tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2022.
Thiếu chỗ trong khi số lượng và khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm và kinh tế phục hồi đang gây áp lực lớn cho chuỗi logistics toàn thế giới. Cũng theo Phaata, tình trạng hủy chuyến đang ngày một tăng và các hãng tàu đang hạn chế nhận yêu cầu đặt chỗ mới.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp hiện nay cần chủ động trong sản xuất, nếu không chủ động trong sản xuất thì “khóc ròng” ngay vì không thể đủ kho lạnh để trữ hàng.
“Nếu sản xuất ra mà không đặt được chỗ trên các container, hàng nằm trong kho đến 20 ngày thì sẽ ngưng trệ sản xuất vì buộc phải dừng sản xuất hàng mới do không đủ chỗ để nhét thêm hàng hóa vào kho”, ông Nam nói.
Đối diện với tình hình chuỗi cung ứng ngày càng mong manh, bản thân các đơn vị logistcis cũng chủ động trong việc thay đổi kế hoạch cung ứng hàng hóa.
Bà Tracy Đào, Giám đốc Thương mại, Công ty Cổ phần Bee Logistics cho biết, trước đây, tính chủ động trong sản xuất và đặt chỗ của các doanh nghiệp Việt Nam không cao. Tuy nhiên hiện nay, khi chuỗi cung ứng vẫn chưa thể phục hồi, , với sản lượng lớn thì doanh nghiệp phải đặt trước từ 1-2 tháng, điều này giúp doanh nghiệp chủ động việc lấy container, giá cước cũng tốt hơn và hạn chế được những rủi ro có thể phát sinh.
Ngoài ra, phải có những giải pháp khác ngoài logistics truyền thống. Thông thường, doanh nghiệp thường đặt các hãng tàu và hàng không và sau đó việc vận chuyển như thế nào, chuyển tải ra sao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc hãng tàu và hàng không quá cảnh ở đâu, do vậy, thời gian kéo dài rất lâu, có thể lên tới 1-2 tháng.
Bà Tracy Đào khuyến nghị doanh nghiệp hiện nay nên chủ động trong việc lựa chọn các dịch vụ SOC, chuyển hàng đến các Hub, ngoài Hub truyền thống như Hồng Kong, Singapore còn có Yantian, Senzen hay Colombo, sau đó dùng SOC đặt các Hub đi đến Mỹ La tinh hoặc kể cả Mỹ và châu Âu. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động trong thời gian vận chuyển, giảm được thời gian và tránh tắc nghẽn khi chờ chuyển tải…
Cân nhắc “chiến lược gần bờ”
Để ứng phó với tình hình chuỗi cung ứng vẫn còn gián đoạn trầm trọng, ông Rolando E. Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đề xuất khu vực công – tư phải ngồi lại với nhau cùng các chuyên gia, các hãng tàu để cùng tìm giải pháp.
Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng hiện nay, vì vậy tìm phương pháp để số hóa, tự động hóa đối với các quy trình logistics quốc gia và phải xây dựng cơ chế một cửa với các giao dịch thương mại và kinh doanh. Hiện nay, quy trình không giấy tờ phải là mục đích của hệ thống hải quan.
Vị lãnh đạo của FIATA cũng đề xuất “chiến lược gần bờ”, giúp nhà đầu tư, bên mua, bên bán, các nhà xuất nhập khẩu thuận lợi hơn khi vận chuyển hàng hóa.
Ví dụ nếu cần bán một sản phẩm sang Bắc Âu thì một lựa chọn khả thi là đặt trung tâm phân phối gần Đức hoặc gần cảng Rotterdam (Hà Lan); nếu muốn bán sang Nam Âu thì có thể đặt trung tâm tại hải cảng Cadiz (Tây Ban Nha) hoặc Tanger Med (Morocco); hoặc bán hàng sang Nam Mỹ thì Uruguay và Brazil là địa điểm thuận lợi để đặt trung tâm phân phối hàng hóa.
Điều quan trọng là đặc điểm đặt trung tâm phân phối gần bờ phải có các yếu tố như tính kết nối logistics tốt nhất giữa các quốc gia, tính ổn định về chính trị, pháp chế của Chính phủ, chất lượng cuộc sống của đội ngũ nhân sự làm việc tại quốc gia đó, độ ổn định về mặt tiền tệ, cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện và ổn định và phải đặt sự chú trọng về vị trí địa lý và tìm được nơi dễ dàng tiếp cận để kinh doanh.
Ông Rolando cũng đề xuất các nhà đầu tư nên tìm đến các quốc gia có Chỉ số Hiệu suất Logistics được xếp hạng cao, ví dụ như Panama và Việt Nam nằm ở vị trí 36 và 39 trong 160 quốc gia trên thế giới, điều này cho thấy cả 2 quốc gia đang đạt những thành quả tích cực trong việc đẩy mạnh môi trường logistics.
“Dựa vào những đánh giá quốc tế có thể lựa chọn các quốc gia thuận lợi để đặt các trung tâm trung chuyển”, ông Rolando khuyến nghị.