Giao thương online nở rộ, hiệu quả thấy rõ, bất cập cũng nhiều
(DNTO) - Giao thương online nở rộ, quản lý thế nào cho “vào khuôn khổ” mà lại vẫn tạo được sức bật cho ngành công nghiệp mới nổi - thương mại điện tử?
Người người bán hàng online, nhà nhà bán hàng online – thương mại điện tử không còn xa lạ trong đời sống hiện đại. Giai đoạn kinh tế-xã hội chịu tác động đa chiều từ đại dịch Covid-19, hoạt động này càng gia tăng-nổi trội, ở hầu khắp vùng, miền.
Các chuyên gia cho rằng “cần tranh thủ thời cơ, mở lối cho thương mại điện tử phát triển mạnh hơn - phổ cập xu hướng tiêu dùng thông minh, là tiền đề hiện thực hoá nền kinh tế số Việt Nam”. Nói vậy không đồng nghĩa buông lỏng quản lý giao thương trên môi trường ảo. Và thực tế, cơ quan liên ngành đã, đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp, nhằm mục đích này.
Không cần 1 khung cảnh sắp đặt cùng vẻ bề ngoài hào nhoáng như các hoạt động livestream thường thấy, nông dân Đỗ Thị Vân xuất hiện thuần phác trên nền tảng thịnh hành facebook: đội nón lá, mặc đồ bảo hộ lao động, chào bán đặc sản quê hương.
“Đây mọi người ơi! Đây, vườn vải nhà mình, chín đỏ rồi. Mong qua online tiêu thụ được vải thì rất là vui, rất là tuyệt vời: cùi dày, vỏ mọng, đỏ ngọt, ăn rất nhiều chất, nhiều vitamin, có thể để nguyên quả trong tủ lạnh ăn hoặc ép nước uống, rất tốt cho sức khỏe…” - bà Đỗ Thị Vân giới thiệu vải thiều trên kênh bán hàng online.
Chỉ trong vòng 40 phút giới thiệu sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Sen-đỏ, bà Vân đã chốt bán được hàng trăm đơn hàng, tương đương 8 tấn vải thiều từ hợp tác xã Phì Điền-Bắc Giang. Đây thực tế là chương trình “Sàn Thương mại điện tử hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản thời dịch bệnh” do Bộ Công thương điều phối, nhưng cũng là ví dụ gần gũi, điển hình cho thấy: nhà nhà, người người đều có thể bán hàng online - gia tăng lợi nhuận, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những hoạt động bán hàng online dù là tự phát hay bài bản “không chỉ thúc đẩy giao thương nội địa, thương mại điện tử đang và sẽ hỗ trợ thiết thực cho hoạt động xuất khẩu”.
“Một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York, hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris. Thương mại điện tử hiện thực hoá nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Các gia đình ở Việt Nam có thể mua táo ở trên cành ở một nhà vườn ở phương Tây và ngược lại các gia đình ở phương Tây thậm chí có thể đặt hàng mua hoa tươi còn đẫm sương trong vườn hoa của hộ kinh doanh nhỏ ở Đà Lạt” - ông Vũ Tiến Lộc nêu ví dụ.
Con số thống kê gần đây từ cơ quan chức năng càng khẳng định lợi ích thiết thực của phương thức kinh doanh này, khi chỉ trong năm 2020, dù chịu tác động bất ngờ từ Covid-19, thương mại điện tử vẫn đạt doanh thu 11,8 tỷ USD, tăng trưởng số 1 Đông Nam Á và đóng góp nhiều cho GDP Việt Nam.
Đại diện Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương – bà Lại Việt Anh nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn phát triển nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng đạt 18%. Việt Nam hiện nay cũng là thị trường thương mại điện tử phát triển tốc độ hàng đầu khu vực, mở thêm các cơ hội cho doanh nghiệp phát triển ra khu vực và toàn cầu”.
Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ thương mại điện tử cho các cá nhân, doanh nghiệp không hoàn toàn tỷ lệ thuận với lợi ích thực tế của đông đảo khách hàng. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang lợi dụng đặc thù của hình thức thương mại điện tử trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là “hàng cấm”… thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng đã có những kịch bản cho vấn đề như: tổ chức Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong Thương mại điện tử” hay phát triển website online.gov.vn quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử.
Gần đây nhất là các văn bản hướng dẫn yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa vi phạm… nhưng tình hình không mấy cải thiện. Sự thiếu trung thực, thiếu minh bạch của người bán trên môi trường ảo vẫn là bài toán khó khăn, nan giải nhất đối với các nhà quản lý, trong nỗ lực lành mạnh hóa ngành kinh tế mới nổi này. Chưa kể, yếu tố “ẩn”, “ảo” nhiều, doanh thu thực lại lớn vô cùng.
Theo quan sát của các chuyên gia trong nước và quốc tế, con số 11,8 tỷ USD được cơ quan chức năng công bố, chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Đại diện ComScore, 1 công ty chuyên phân tích số liệu Internet của Mỹ, ông Jonathan James cho rằng “Việt Nam đã bỏ ngỏ thị trường này khá lâu - thất thu thuế nhiều”.
Ông Jonathan James khuyến nghị: “Làm thế nào để Chính phủ có thể đánh thuế những doanh nghiệp đi theo ecommerce hay là kinh doanh online? Ở châu Âu họ có giải pháp ví dụ như Facebook hay Amazon muốn phát triển ở Việt Nam thì server (máy chủ) phải được đặt ở Việt Nam nếu không thì không cho hoạt động. Đối với việc đánh thuế thì thật ra cũng không hẳn là tiền mà việc đánh thuế có thể đến bằng nhiều hình thức khác nhau như việc đặt server thì công ty nước ngoài đó đã chứng minh là phải có cam kết lâu dài với 1 quốc gia. Đó là 1 hình thức kiểm soát đối với các công ty kinh doanh online”.
Giao thương online nở rộ - hiệu quả thấy rõ, bất cập cũng nhiều, trong đó có 2 vấn đề đang được quan tâm là thiết hụt niềm tin của người tiêu dùng và thiếu công bằng thuế - so với các loại hình kinh doanh khác.
Siết chặt quản lý giao thương trực tuyến để gia tăng niềm tin của người tiêu dùng là giải pháp quan trọng; thu thuế hoạt động này để đảm bảo công bằng thuế cũng là việc cần làm…nhưng thực hiện thế nào cho vừa phù hợp thông lệ quốc tế, vừa sát thực với Việt Nam là cả vấn đề, cần nghiên cứu bài bản, cần những chính sách cụ thể, chặt chẽ và hợp lý.