Giáo sư Trương Nguyện Thành: 'Không có cái hộp nào gói gọn tư duy'
(DNTO) - Giáo sư Trương Nguyện Thành có những chia sẻ thiết thực trong buổi workshop "Tư duy sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp" tổ chức sáng 20/12 tại TP.HCM.
Với hai diễn giả Loan Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trường Đào tạo và tư vấn triển khai TOPPION và Giáo sư Trương Nguyện Thành, workshop "Tư duy sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp" được thực hiện nhằm gây quỹ giúp trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung.
Tư duy sáng tạo và trí tuệ cảm xúc
Giáo sư Trương Nguyện Thành có những chia sẻ thú vị về việc đổi mới tư duy sáng tạo trong kinh doanh. Theo giáo sư, trong kinh doanh, tư duy sáng tạo và trí tuệ cảm xúc là hai yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp nói chung và người lãnh đạo nói riêng.
Giáo sư Thành cho biết khi quản lý doanh nghiệp, việc đưa ra quyết định là rất khó khăn đối với người đứng đầu. Câu hỏi đặt ra là quyết định mình đưa ra có đúng không: "Ở tại thời điểm chúng ta đưa ra quyết định, quyết định đó luôn luôn đúng. Vậy tại sao có người thất bại? Vì chúng ta chỉ đúng ở thời điểm đó, còn các thời điểm khác thì chưa chắc. Hay nói đúng hơn là góc nhìn quyết định đó chưa hẳn đúng", Giáo sư Thành cho rằng, thông qua đó, phải rèn luyện cho được kỹ năng suy nghĩ chín chắn.
Dẫn thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) rằng Việt Nam muốn phát triển và có thu nhập cao thì phải sáng tạo, Giáo sư Trương Nguyện Thành cho biết vấn đề là phải sáng tạo thế nào đúng cách, nhất là các doanh nghiệp trẻ hay doanh nghiệp khởi nghiệp. "Ở Việt Nam, mỗi người khởi nghiệp luôn có ít nhất 3.000 ý tưởng, từ đó phát triển thành 100 dự án, trong đó chỉ có 2 dự án thực sự bắt đầu và duy chỉ 1 trong tổng số đó có thể thành công. Nhiều startup hiện nay chỉ đam mê làm sản phẩm mà không đầu tư cho công tác quản lý, vận hành nên dễ vấp ngã ở bước đầu tiên", Giáo sư Thành nhận định.
Nói đến sáng tạo, người ta thường nhắc đến câu nói truyền cảm hứng "Thinking outside the box" (tạm dịch: Hãy để suy nghĩ thoát ra khỏi cái hộp). Giáo sư Trương Nguyện Thành hào hứng kể lại câu chuyện về việc ông được gọi vui là "Giáo sư quần đùi": "Trong một buổi dạy về tư duy sáng tạo, tôi yêu cầu các học viên hãy thoát ra khỏi các rào cản, định kiến để có thể thỏa sức sáng tạo. Để thị phạm cho họ, tôi cởi hết đồ ngoài, chỉ mặc cái quần đùi với áo vest để chứng minh cho việc thoát ra khỏi tư duy".
"Chúng ta thường nói sáng tạo là hãy nghĩ ra khỏi cái hộp, nhưng thực sự chẳng có cái hộp nào cả. Cái hộp nó hình thành bởi rào cản của tư duy, định kiến xã hội, nó bó buộc sự sáng tạo của chúng ta. Chính vì công thức đó mà chúng tôi có danh hiệu giáo sư quần đùi", giáo sư chia sẻ.
Mạnh dạn nói “không” với một số giải pháp
"Giáo sư quần đùi" cho biết sau khi ông về Việt Nam có tư vấn cho một vài doanh nghiệp, tổ chức. Ông nhận thấy doanh thu trong mùa Covid tụt rất nhanh, tổ chức vận hành cồng kềnh và áp lực của lãnh đạo về vấn đề lương bổng rất cao. Tư duy của họ đa phần là mong dịch qua đi, nhưng câu hỏi là liệu dịch qua đi, lúc đó doanh nghiệp còn sống không?
"Các lãnh đạo nói rất nhiều về việc họ sẽ làm gì trong 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm tới và gọi đó là chiến lược. Nhưng cái họ đang nói đến chính xác là kế hoạch. Chúng ta đang nhập nhằng giữa chiến lược và kế hoạch, chiến lược là chọn điều không làm, từ đó đưa ra giải pháp thay thế rồi mới hình thành nên kế hoạch. Chính vì vậy các doanh nghiệp đang thay đổi luật chơi, thậm chí thay đổi trò chơi".
Theo Giáo sư Thành, chiến lược tối ưu nhất là mạnh dạn nói “không” với một số giải pháp. Lãnh đạo nên là người nói sau cùng chứ không đưa ra ý kiến. Thay vào đó hãy khuyến khích nhân viên đưa ra giải pháp, thậm chí là đặt vấn đề trái với cái mà lãnh đạo muốn. Hãy khuyến khích sự phản biện.
Chuyên gia Loan Văn Sơn chia sẻ điều kiện đầu tiên để khích lệ sáng tạo cho nhân viên là không khích lệ sai sự thật. Lãnh đạo phải có tư duy về năng lực cá nhân: "Cá nhân người lãnh đạo sẽ là người đại diện, khuôn mẫu cho văn hóa tư duy của cả công ty. Chính vì thế, chính người lãnh đạo phải là người có tư duy sáng tạo, trước khi đòi hỏi nhân viên của mình điều đó".
Trong khuôn khổ buổi workshop "Tư duy sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp", có cuộc đấu giá để quyên góp cho quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi miền Trung. Vật phẩm đấu giá là chiếc áo dài họa tiết chim công được thêu tay trong 200 giờ và chiếc nỏ của dân tộc Mông được các nghệ nhân chế tác trong 3 năm.
Ông Loan Văn Sơn cho biết toàn bộ lợi nhuận chương trình đạt được sẽ dùng cho mục đích thiện nguyện tại miền Trung, để trang bị thư viện cho trẻ em mồ côi, học nghề và kỹ năng sống. Bên cạnh đó, ông cùng các cộng sự cũng hỗ trợ cho bà con nông dân phát triển các giải pháp nông nghiệp bền vững để ổn định đời sống.