Giảm giá tiền điện đợt 3 bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12/2021
(DNTO) - Đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.
Khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng để hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3
Trao đổi trong họp báo thường kỳ chiều 17/6, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã thông tin về vấn đề giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.
Ông Quang cho biết, sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và Sở Công thương các tỉnh, thành phố để thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.
“Bộ Công thương ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt này khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng”, ông Trần Tuệ Quang thông tin.
Trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch Covid-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công thương đã hướng dẫn EVN giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong năm 2020 khoảng gần 12.300 tỷ đồng.
Về tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống, ông Trần Tuệ Quang cho biết, tính đến hết ngày 16/6, công suất và sản lượng của hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trong ngày 2/6, công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 41.558 MW, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 7,9% so với công suất cực đại năm 2020 (38.518MW, ghi nhận ngày 23/6/2020). Đáng chú ý, trong ngày 1/6, sản lượng của hệ thống điện quốc gia đạt 880,3 triệu kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 10,3% so với sản lượng cực đại năm 2020.
Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cũng nhìn nhận, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2021 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các sự kiện lớn.
Theo phương thức vận hành hệ thống điện tháng 6/2021 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt, tổng sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 6 tháng cuối năm dự kiến đạt 135,515 tỷ kWh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện đạt 265,497 tỷ kWh, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 1,18 % so với kế hoạch dự kiến.
Quy hoạnh điện VIII được trình chính phủ trong tháng 6
Đối với việc thực hiện quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, cho biết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công thương đã rà soát lại chương trình phát triển nguồn, xây dựng cơ cấu phát triển nguồn điện hợp lý, tránh để mức dự phòng quá cao, gây lãng phí nguồn lực và tạo áp lực về vốn đầu tư; rà soát lại việc bố trí không gian cho phát triển các nguồn điện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá lợi thế so sánh của các địa phương, các vùng trong việc phát triển hài hòa và đồng bộ các nguồn điện lớn; đánh giá, xây dựng các giải pháp phát triển nguồn điện, đảm bảo chủ động trong việc cung cấp nhiên liệu.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại chương trình phát triển nguồn điện đảm bảo các yêu cầu theo đúng chỉ đạo; Rà soát lại kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa nguồn điện truyền thống và nguồn điện năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa những khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện; Cập nhật chương trình phát triển lưới điện đồng bộ và rà soát nguồn vốn đầu tư hợp lý cho chương trình phát triển điện lực trong tương lai.
“Dự kiến, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo sẽ hoàn thành báo cáo trình Lãnh đạo Bộ thông qua để lấy ý kiến các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2021”, ông Dũng thông tin.
Đối với việc thanh kiểm tra dự án điện mặt trời theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn và đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.
Bên cạnh đó, ngày 7/6, Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 3259 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, địa phương, EVN, Bộ Công thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.