Dự án, doanh nghiệp nhà nước thu lỗ nghìn tỷ đang xử lý thế nào?
(DNTO) - Theo các chuyên gia, xử lý doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả cần rành mạch hóa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ thị trường để doanh nghiệp nhà nước có thể làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Một số dự án chờ xóa nợ
Trong 12 dự án thua lỗ ngành Công thương, đến nay đã có 3 dự án hoạt động ổn định, có lãi hàng năm; 2 dự án giảm lỗ lũy kế, một số dự án khác đang tiếp tục được xử lý.
Tại tọa đàm “Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, gỡ khó cho các tập đoàn kinh tế lớn” hôm 6/6, ông Phạm Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy Ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, từ năm 2018, cơ quan này thực hiện tiếp nhận vai trò quản lý vốn với các dự án yếu kém như ngành công thương.
Đây là những dự án có quy mô rất lớn, nằm trong chiến lược quy hoạch phát triển của các ngành công nghiệp năng lượng, hóa chất, giấy, thép, đóng tàu, đã vướng mắc tồn tại lâu, phát sinh sai phạm trong hoạt động. Một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên rất cao so với mức đầu tư ban đầu.
Đến nay có 8/12 dự án doanh nghiệp đã có phương án xây dựng cụ thể. Đối với 5 dự án được Bộ Chính trị giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh đã có chuyển biến tích cực. Trong đó một số dự án doanh nghiệp có lãi, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
“Đây là các dự án mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ. Từ trước đến nay chắc chỉ có Việt Nam mới xử lý như thế này, trình lên cấp cao nhất là Bộ Chính trị, thậm chí còn sang đến Ban Cán sự Đảng của Đảng đoàn Quốc hội xử lý, đưa vào luật để xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án và ngành hóa chất nói riêng”, ông Sơn nói.
Với 3 dự án phân bón trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, vào tháng 4/2023, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình đề xuất về các biện pháp cơ cấu lại nợ vay. Ngày 8/5, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ đã chấp nhận đề xuất này và có chỉ đạo rất quyết liệt các đơn vị liên quan đến xử lý dự án này.
Hiện Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang trình chủ trương chung về giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn đặc biệt là xóa nợ với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đặc biệt là 3 dự án và đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thẩm định. Dự kiến, trong tháng 6 và muộn nhất tháng 7, 3 cơ quan trên sẽ hoàn thành hồ sơ liên quan về 3 dự án này và trình Thủ tướng Chính phủ.
“Đây là nhiệm vụ cực kì khó khăn đã được giải quyết với 3 dự án này. Đây là tiền đề giải quyết được tài chính, giúp 3 dự án khôi phục được sản xuất, giảm lỗ lũy kế. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương này trong quý 3, dự kiến trong 2024, Công ty đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ lũy kế và dương vốn chủ sở hữu. Hiện công ty này còn âm gần 260 tỷ vốn chủ sở hữu”, ông Sơn nói.
Cần giải quyết câu chuyện lợi ích
Giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ yêu cầu khẩn trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có phương án xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng ở một số dự án còn đang thua lỗ, kém hiệu quả ngay trong tháng 5.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thách thức của việc chuyển đổi từ hệ thống bao cấp sang cơ chế thị trường không dễ gì với các doanh nghiệp nhà nước vì còn vướng câu chuyện lợi ích. Đó không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là lợi ích của quyền lực, lợi ích của hệ thống. Vì vậy, quá trình chuyển đổi thời gian vừa qua được thực hiện rất thận trọng, kín kẽ nhưng đôi khi lại lỡ mất thời cơ.
“Hệ thống quản lý theo nguyên tắc hành chính, mệnh lệnh cũng không dễ gì bỏ bởi đó là quyền lực đi kèm với lợi ích. Càng thêm nhiều quyền lực theo kiểu mệnh lệnh thì càng có nhiều lợi ích. Đó là lý do tại sao ngày càng có thêm nhiều thủ tục. Phải có những quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất mới làm được”, ông Thiên cho biết.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước liên quan đến việc sửa đổi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết, sự chồng chéo của hệ thống luật hiện nay cũng không dễ gì tháo gỡ. “Ví dụ nếu muốn đưa cái mới thì phải bỏ cái cũ, nhưng nhiều khi không bỏ cái cũ mà cứ thêm vào, cơi nới, cuối cùng xung đột lẫn nhau và thành “rừng luật”. “Rừng luật” này khiến doanh nghiệp làm cái này thì vướng cái khác nên sau này dù làm được việc nhưng hồi tố lại thì bị sai”, ông Thiên nói.
Vị chuyên gia cho biết, bản thân tập đoàn nhà nước vừa phải đảm bảo sứ mệnh quốc gia, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nên rất khó làm việc. Để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần một hướng tiếp cận khôn ngoan hơn, thể chế rõ ràng hơn, tức rành mạch hóa những gì của thị trường, còn những gì là hàng hóa công, thực hiện sứ mệnh quốc gia.
“Chúng ta hiện nay đang cố gắng tháo gỡ những cái cũ, nhưng có lẽ Ủy ban Quản lý vốn và Bộ Công thương phải tiếp cận ở tầm khác, phải thay đổi cấu trúc phát triển cho hệ thống tập đoàn này. Còn nếu cứ tháo gỡ từng cái một thì không biết khi nào mới tới được. Vai trò của doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng, nếu không gỡ được khó khăn thì nguồn lực đất nước còn hao tổn”, ông Thiên nhấn mạnh.