Dow Jones rơi từ mốc kỷ lục với dữ liệu việc làm yếu tại Mỹ, VN-Index được dự báo sẽ tăng điểm nhẹ
(DNTO) - Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 18/2 (giờ Mỹ), với số liệu thất nghiệp tệ hơn dự kiến. Tại thị trường trong nước, VN-Index được dự báo sẽ tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ có biến động rung lắc trong phiên với sự phân hóa rõ nét hơn giữa các dòng cổ phiếu.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 119,68 điểm, tương đương 0,4%, chốt phiên tại 31.493,34 điểm, rơi xuống từ mức kỷ lục trước đó. Có những lúc trong phiên, Dow Jones mất tới hơn 300 điểm. Trong khi đó S&P 500 có phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm với mức sụt giảm 0,4%, đóng cửa tại 3.913,97 điểm. Nasdaq Composite trượt đốc 0,7% về 13.865,36 điểm khi các nhà đầu tư tiếp tục rời xa cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu ông lớn bán lẻ Walmart mất giá trị tới 6,5% sau khi lợi nhuận quý 4/2020 thấp hơn dự đoán của Wall Street. Walmart cho biết tăng trưởng trong năm nay sẽ chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch.
Cùng lúc đó cổ phiếu Apple giảm thêm 0,9%, mã này đã giảm 4,2% trong tuần này, khi các nhà đầu tư tiến hành chốt lời đối với cổ phiếu Big Tech, cổ phiếu đã đưa thị trường lên cao kỷ lục trước đó. Tesla mất 1,4% giá trị, đưa mã này từ đầu tuần đến nay đã giảm tới 3,5%.
“Chứng khoán giảm trên toàn thị trường với các cổ phiếu lớn bị giảm mạnh nhất do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và báo cáo lợi nhuận không được khích lệ”, Adam Crisafulli, nhà sáng lập của Vital Knowledge nói.
Trong khi đó dữ liệu thất nghiệp mới nhất cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động đang gặp vấn đề. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ là 861.000 người trong tuần trước, con số cao nhất trong 1 tháng và cao hơn dự đoán của Dow Jones là 773.000 người.
Thị trường trong nước, tại phiên giao dịch hôm qua 18/2, chỉ số VN-Index tăng +18,60 điểm, tương đương +1,61%, đóng cửa ở mức 1.174,38 điểm. VCB, VHM và SAB là 3 mã hỗ trợ tích cực cho VN-Index phiên hôm qua, đóng góp +1,98, +1,97 và +1,90 điểm. Trong khi đó, BHN, ACB và VIB là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi lần lượt -0,28, -0,14 và -0,09 điểm.
Về diễn biến nhóm ngành, 9/10 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 18/2. Dẫn đầu là ngành hàng hóa tiêu dùng (+2,86%), được hỗ trợ bởi sự tăng điểm của SAB (+6,12%), GVR (+6,81%) và MSN (+3,37%). Ở chiều ngược lại, ngành tiện Ích công cộng (-0,04%) là nhóm ngành duy nhất giảm điểm trong phiên ngày hôm nay, do tác động tiêu cực từ PGD (-4,22%), PPC (-0,76%) và GEG (-1,10%).
VN-Index dự báo sẽ tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần hôm nay 19/2. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ có biến động rung lắc trong phiên với sự phân hóa rõ nét hơn giữa các dòng cổ phiếu. Sau ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 2, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ là yếu tố tiếp theo có thể tạo ra biến động cho diễn biến thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu hướng sự quan tâm đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2021, cũng như kỳ đại hội cổ đông thường niên của các doanh nghiệp niêm yết…
Các nhà phân tích của các công ty chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn.
Các nhà đầu tư có thể xem xét bán trading hiện thực hóa một phần lợi nhuận các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận lại vùng đỉnh cũ 1.180-1.200 điểm.
“Chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Do đó, các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục”, các nhà phân tích cho hay.