Dòng tiền yếu, chứng khoán lại cần lực đẩy
(DNTO) - Thanh khoản trên thị trường sụt giảm phiên thứ 4 liên tiếp cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư, cũng như lo lắng về rủi ro có thể xảy ra với thị trường.
Sau khi hồi được hơn 12 điểm trong phiên giao dịch ngày 9/4, thị trường chứng khoán lại tiếp tục một phiên đỏ lửa khi VN-Index đánh mất hơn 4 điểm và dừng tại 1.258 điểm.
Đáng nói, thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm qua các phiên. Trên HoSE, giá trị khớp lệnh ghi nhận liên tục đi xuống, từ mức 25 ngàn tỷ đồng ngày 5/4, thì tính đến hôm nay, sau 4 phiên giao dịch, chỉ còn 16,8 ngàn tỷ đồng. Con số này giảm mạnh so với giá trị giao dịch bình quân hơn 26,4 ngàn tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 3.
Cùng đó, khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng theo đà giảm. Nếu tháng 3, trung bình 1 tỷ cổ phiếu giao dịch mỗi ngày, thì hai phiên gần đây chỉ khoảng hơn 700 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên trên HoSE.
Dòng tiền cũng hạn chế gia nhập các nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, trong khi chỉ số VN30-Index sụt giảm thì chỉ số nhóm vốn hóa siêu nhỏ (Microcap) lại có xu hướng đi lên, cho thấy sự lo ngại của dòng tiền trước nhiều yếu tố biến động hiện tại. Hai cổ phiếu họ Vin là VHM và VIC trở thành hai trụ cột dẫn dắt thị trường, nâng đỡ cho chỉ số chung.
Giá vàng lên cao, áp lực tỷ giá lớn dường như đang tạo khó cho thị trường chứng khoán khi khiến nhà đầu tư khó tránh khỏi sự bất an. Việc duy trì tiền mặt với tỷ trọng lớn ở hiện tại có lẽ sẽ khiến họ yên tâm hơn, tập trung nghe ngóng chờ đợi diễn biến mới của thị trường thay vì hành động.
Đã quá lạc quan?
Tháng 4, việc thị trường biến động đã nằm trong sự nhận định của nhiều công ty chứng khoán. Theo SSI Research, các chuyên gia nhận thấy một số yếu tố rủi ro, nhạy cảm đã xuất hiện, bao gồm: "lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục và biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước".
Điều này khiến thị trường khả năng rơi vào nhịp nghỉ, và để có thể tiến lên các vùng điểm số cao hơn thì cần hỗ trợ bởi các yếu tố triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.
Các chuyên gia so sánh với giai đoạn đầu 2021, VN-Index cũng tiệm cận mốc điểm số 1.300 điểm. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại thị trường đang có lợi thế hơn về mặt định giá cũng như mặt bằng lãi suất. Đáng chú ý, giai đoạn nửa đầu năm 2021, thị trường ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh tương ứng 77% ở quý 1 và 61% ở quý 2.
"Nhìn chung, kịch bản chúng tôi dự đoán cho thị trường là điều chỉnh ngắn hạn, tích lũy và quay lại xu hướng tăng chính", SSI nhận định.
Theo quan sát thị trường, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank chia sẻ với nhà đầu tư, thị trường đang chạm ngưỡng kháng cự mạnh trong 5 năm qua, trong khi dòng tiền lại đang chỉ ở mức trung tính.
Do đó, "những phiên tới thị trường có thể có phục hồi nhưng tạm thời chưa vượt ngưỡng 1.300 điểm, thậm chí chạm được ngưỡng kháng cự cũng rớt", ông cho biết.
Điều ông e ngại là thị trường đã trải qua giai đoạn quá lạc quan. Ngay cả động thái FED giảm lãi suất, ông cũng lưu ý nhà đầu tư cần quan tâm bởi FED hạ lãi suất cũng chưa chắc tích cực vì kỳ vọng đã được phản ánh vào thị trường trước đó.