Đông Nam Á chống trả 'cơn lũ' hàng giá rẻ từ Trung Quốc
(DNTO) - "Cơn đại hồng thủy" hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường đang gây khó khăn cho nền kinh tế các nước Đông Nam Á, khiến chính quyền nơi đây gấp rút tìm cách đối phó.
Bài 1: Mất cân bằng thương mại
Ngay đầu năm 2024, các nhà máy dệt ở Bandung, Tây Java (Indonesia) bắt đầu sa thải công nhân. Các nhà quản lý tại nhà máy cho biết doanh số và doanh thu của công ty đã sụt giảm kể từ khi TikTok Shop ra mắt tại Indonesia vào năm 2021, bán hàng hóa giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc cho người xem trên nền tảng video này.
Đã có khoảng 49.000 công nhân trong ngành dệt may và giày dép đã bị sa thải trong năm nay do các nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java của Indonesia đóng cửa.
Đáp lại lời kêu gọi của các nhà sản xuất dệt may, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan hồi tháng 6 cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét áp dụng mức thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Ông cũng nói các mức thuế mới đang được xem xét để đối phó với việc nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử đang ngày càng gia tăng.
Không riêng gì Indinesia, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang có động thái tăng rào cản đối với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng bán qua những nền tảng thương mại điện tử.
Vào tháng 1, Malaysia đã áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD). Những hàng hóa này trước đây được miễn thuế bán hàng cũng như thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho các sản phẩm đắt tiền. Thái Lan cũng nối đuôi trong tháng này bằng cách gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD).
Aat Pisanwanich, học giả thương mại quốc tế trước đây làm việc tại Đại học Thương mại Thái Lan, cho biết: “Hơn 15% GDP của Thái Lan phụ thuộc vào sự tham gia của Trung Quốc. Chúng tôi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm của mình và chúng tôi cần nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của họ”.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, “cơn đại hồng thủy” hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc là một vấn đề hóc búa. Mặc dù hiện tượng này đang gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước, chính quyền vẫn phải mời chào các công ty Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là ở các phân khúc công nghệ cao.
Cân bằng các ưu tiên này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Trung Quốc đang phải chống chọi với nền kinh tế èo uột của họ. Giải pháp của Trung Quốc là dựa vào tăng cường sản xuất, khiến các công ty nước này phải giải quyết lượng hàng tồn động khổng lồ với giá cực kỳ thấp. Điều này làm tệ hơn tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Năm ngoái, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á và Đông Nam Á đã thu vào ⅓ hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, mặc dù họ chỉ chiếm 1/10 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, dựa theo dữ liệu của Goldman Sachs.
Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan sau Mỹ và là nguồn nhập khẩu hàng đầu của nước này, chiếm gần 1/4 tổng lượng hàng hóa nhập khẩu tính theo giá trị. Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc đã không ngừng tăng lên, từ 20 tỷ USD trong năm 2020 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023. Thâm hụt thương mại của Malaysia với Trung Quốc thậm chí còn tăng mạnh hơn trong giai đoạn này, từ 3,1 tỷ USD lên 14,2 tỷ USD.
Indonesia khá khẩm hơn nhờ giá trị xuất khẩu kim loại sang Trung Quốc tăng. Jakarta thậm chí còn đạt được thặng dư thương mại song phương 2 tỷ USD vào năm ngoái. Nhưng trong nửa đầu năm 2024, Indonesia đã phải thua thiệt 5 tỷ USD trong hoạt động thương mại ngoài ngành dầu khí với Trung Quốc.