Doanh nghiệp sẵn sàng sống chung với dịch lâu dài
(DNTO) - Chưa thể dự báo chính xác dịch Covid-19 có thể được kiểm soát triệt để khi nào, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tâm thế phải thích nghi, sống chung với dịch lâu dài.
Ngành dệt may là một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, trong gần 2 năm qua đã gặp nhiều khó khăn do bị bủa vây bởi dịch Covid-19. Theo đó, ảnh hưởng từ dịch nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Đối với các doanh nghiệp thực hiện biện pháp 3 tại chỗ, đang làm tăng thêm nhiều chi phí, khiến ban quản trị phải “đau đầu” cân đối trong chi tiêu… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xác định nếu muốn tiếp tục tồn tại doanh nghiệp buộc phải thích nghi và có biện pháp sống chung với dịch.
Với 12.000 cán bộ công nhân viên, phân tán tại các tỉnh thành phố, Tổng Công ty cổ phần May 10 cho rằng, để tiếp tục phát triển doanh nghiệp phải là một pháo đài chống dịch. Doanh nghiệp xác định chỉ khi nào công tác phòng dịch được tốt thì mới duy trì được hoạt động, vì vậy, hàng ngày, hàng giờ tại các nhà máy, dây truyền đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó vaccine đóng vai trò trọng yếu.
Cùng với đó, May 10 đã xây dựng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để có thể chủ động hành động. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, mỗi doanh nghiệp cũng là một pháo đài chống dịch, nếu làm tốt, không chỉ duy trì được sản xuất kinh doanh, mà vẫn đảm bảo chung tay phòng chống dịch với Chính phủ.
“Với đầy đủ y tế cơ sở như May 10 cùng hệ thống trang thiết bị vật chất tại May 10, chúng tôi xin một phương án đó là tự chủ động trong việc điều trị F0 và trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi vì trước kia chúng ta không có khái niệm F0 chữa tại nhà, bây giờ chúng ta có khái niệm này rồi, do đó, chúng tôi có thể tự chủ động được. Bây giờ nếu có vaccine nội địa, May 10 sẽ xung phong tiêm đầu tiên và nếu không đảm bảo được tiêm vaccine cho lao động, chúng tôi chắc chắn vẫn bị câu chuyện tắt, mở trong các hoạt động kinh doanh của mình” - ông Thân Đức Việt nói.
Theo các chuyên gia y tế, xác định lộ trình sống chung với dịch thì doanh nghiệp cần có một mô hình an toàn, phù hợp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh và điều kiện của từng địa phương. Bởi sẽ không có một mô hình nào an toàn cho tất cả. Bên cạnh đó, cần giải pháp lấy y tế cơ sở tại doanh nghiệp làm nòng cốt, để thiết lập quy trình, tổ chức thực hiện và giám sát quá trình tuân thủ phòng dịch tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Viết Lượng, Học viện Quân Y cho rằng, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, cần phải triển khai càng nhanh, càng tốt. "Trong bối cảnh mà nguồn vaccine toàn cầu vẫn tiếp tục khan hiếm và còn sẽ khan hiếm kéo dài, thì chiến lược vaccine trong nước vẫn là một giải pháp căn cơ quan trọng. Ưu tiên vaccine trong nước nhưng phải ưu tiên bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ nói về chính sách, mà phải có thời hạn cụ thể để các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý nhà khoa học phải cùng nhau ra càng sớm càng tốt, song vẫn bảo đảm quy trình an toàn và hiệu quả. Cá nhân hóa trong phòng, chống dịch cả sản xuất phải có kế hoạch dài hơi, định hướng dài hơi, tuân thủ 5k. 5K bây giờ phải được hiểu như thế nào, cần phải có hướng dẫn cụ thể chứ đừng có áp dụng cứng nhắc” - Nguyễn Viết Lượng nói./.