Doanh nghiệp chuyển đổi số: Không chỉ là đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử
(DNTO) - Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mạnh mẽ hơn và cấp thiết hơn. Một số doanh nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ sớm đã vượt qua được thời điểm khó khăn này, nhưng cần hơn nữa là một giải pháp thực thi hiệu quả.
Vấn đề tất yếu nhưng đầy rủi ro
Với đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngày nay, các doanh nghiệp không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang kỹ thuật số dù gặp nhiều trở ngại khó khăn. Tuy nhiên, nhờ cách tiếp cận toàn diện và một kế hoạch nhất quán từ sớm, một số doanh nghiệp đã đạt tăng năng suất đáng kể bất chấp đại dịch Covid-19.
Điển hình như Công ty CP Tổng Công ty may Bắc Giang (BGG) nhanh chóng chi hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc công nghệ hiện đại và ứng dụng các công cụ trực tuyến tìm kiếm đối tác mới và kết quả 8 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp vượt kế hoạch xuất khẩu hơn 3 triệu sản phẩm/năm; hay như Công ty cổ phần Trí Việt Bắc Giang, sau 1 tháng thực hiện đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, doanh thu đạt được tương đương với thời điểm trước dịch, thậm chí còn tìm kiếm được nhiều khách hàng mới.
Hơn thế nữa là hàng loạt các công ty khác như Mai Linh, Phương Trang, Vinasun… từ lâu cũng hợp tác xây dựng nền tảng số hóa hoạt động quản trị và nâng cao trải nghiệm khách hàng. FPT phát triển hệ thống điều hành sản xuất akaMES giúp Công ty sản xuất pin lithium Vinfast giảm được 70% phí vận hành so với trước. FPT Software cũng đang tích hợp thêm một số tính năng mới để có thể mở rộng đối tượng khách hàng sang các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, dệt may… Startup Tanca - cung cấp giải pháp quản lý thời gian, nhân sự và làm việc từ xa của Công ty Ứng dụng di động xanh (TP.HCM) - đang tập trung phát triển những tính năng cần thiết cho các doanh nghiệp và người dùng thời Covid-19 như quản lý công việc từ xa, chấm công qua camera AI...
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha books, rất nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng đến vài trăm % trong đại dịch, “đó là những doanh nghiệp đã sẵn sàng với chuyển đổi số, đã tiếp cận nền tảng công nghệ số và đã phát huy được những thế mạnh của công nghệ này”. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình dài hơi và tốn kém.
Theo IDG, giai đoạn 2020-2022, thế giới chi cho chuyển đổi số và công nghệ khoảng 2 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, nhiều công ty cũng mạnh tay chuyển đổi như Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến, mỗi năm đều chi hàng chục tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới. Tập đoàn Phúc Sinh Group cũng mất tới 15 năm và hàng chục tỷ đồng để chuyển đổi số.
Thế nhưng, thực tế không phải cứ có tiền đầu tư cho công nghệ là sẽ thành công. Một nghiên cứu cho thấy, trong số 1,3 nghìn tỷ USD đã được chi cho chuyển đổi số năm 2019, ước tính 900 tỷ USD đã bị lãng phí. Làm sao tránh lãng phí trong dầu tư chuyển đổi số là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT: “Việc đầu tiên phải thay đổi là tư duy của người lãnh đạo, vì thay đổi tư duy sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong hành vi, trong việc ra quyết định, trong các giao tiếp với nhân viên, với các doanh nghiệp khác cũng như với khách hàng. Từ đó họ sẽ biết cần phải làm gì, làm như thế nào, vận dụng công nghệ số ra sao”,
Tư duy bức tranh lớn
Để duy trì khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh tế hiện nay, đòi hỏi phải có những chiến lược và thực tiễn mới phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ của người tiêu dùng. Trong thời gian đại dịch Covid-19, số người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trên các kênh trực tuyến một cách đáng kể, tạo cơ hội cho việc nâng cao ứng dụng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn chưa phát triển chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số và tận dụng đầy đủ giá trị do nó mang lại vì không phải bất kỳ ứng dụng nào của công nghệ kỹ thuật số hiện đại cũng là chuyển đổi kỹ thuật số. Điều đó khiến cho việc đầu tư tốn kém nguồn lực nhưng cuối cùng vẫn phải vật lộn để duy trì cho có… ứng dụng công nghệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lê - Tổng giám đốc Công ty Tái cấu trúc chuyển đổi số Dr.SME: “Trong quá trình tiếp xúc và tư vấn với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp hiện đang làm chuyển đổi số theo phong trào. Tức họ nhìn, nghe thấy chuyển đổi số nên cũng muốn làm, nhưng đang hiểu sai về chuyển đổi số”.
Theo các chuyên gia kinh tế và công nghệ của Trường Đại học Kinh doanh Harvard, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số tối ưu riêng bằng cách đánh giá nhu cầu tham gia chuyển đổi nhằm tập trung khoản đầu tư khai thác lợi ích hệ sinh thái kỹ thuật số, ngăn rủi ro.
Có thể mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động bằng việc ứng dụng thực tế ảo và tăng cường, Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp công ty cải thiện khả năng phát hiện nhược điểm và giảm thiểu các khiếm khuyết trong sản xuất, ngăn chặn lỗi trên sản phẩm trong khoảng thời gian thực. Hay gắn các cảm biến trên các sản phẩm thiết bị nhằm theo dõi cách sử dụng từng thiết bị có những bất cập hay nhược điểm, giúp cải thiện năng suất phát triển sản phẩm.
Việc mở rộng dịch vụ theo hướng dữ liệu từ chuỗi giá trị bằng cách sử dụng AI tối ưu hóa hiệu quả sử dụng sản phẩm, tiết kiệm chi phí cho khách hàng… đến mô hình kinh doanh phổ biến, từ mô hình được thiết kế để sản xuất và bán sản phẩm sang mô hình cung cấp dịch vụ theo hướng dữ liệu cho khách hàng, tạo ra sản phẩm phù hợp thúc đẩy các dòng doanh thu mới, bên cạnh nâng cao hiệu quả hoạt động. Và đặc biệt là từ các nền tảng kỹ thuật số, tạo ra cộng đồng người dùng và dữ liệu tương tác với người dùng, sau đó công ty sử dụng dữ liệu này để tạo ra chuỗi giá trị của mình.
Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số hiện đại, việc theo dõi liên tục các sản phẩm và các thông số hoạt động của chúng có thể thúc đẩy năng suất. Sản phẩm không chỉ cung cấp chức năng, giúp xây dựng thương hiệu hoặc tạo doanh thu; giờ đây sản phẩm cũng đóng vai trò là đường dẫn cho dữ liệu tương tác và các nguồn cung cấp trải nghiệm khách hàng mới. Do đó, làm sao kết hợp dữ liệu hệ sinh thái sản xuất và hệ sinh thái tiêu dùng trong chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra được chuỗi giá trị mới không chỉ ở hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn mang lại nhiều giá trị cho xã hội và cộng đồng.