Diễn biến lãi suất nóng, ngân hàng phải xoay sở ra sao trong 'chiếc áo' lợi nhuận co hẹp?
(DNTO) - Lãi suất đầu vào "phình to", trong khi lãi suất đầu ra không tăng tương ứng, khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng đang bị co hẹp đáng kể. Đối diện với nhiều thách thức, chiến lược nào sẽ giúp các nhà băng giữ lợi nhuận ở lại?
Lợi nhuận khó "dày" như trước
Để có được bức tranh tài chính "đẹp như mơ" của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, phần lớn nguồn lợi nhuận có được chủ yếu tập trung tại mảng tín dụng với động lực là biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao.
Song, trong nửa cuối năm 2022, chắc chắn động lực trên sẽ bị suy giảm bởi xu hướng lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động đang ngày càng nổi bật. Ngân hàng cũng không thể thay đổi lãi suất theo biên độ mới do đã cam kết với khách hàng. Chi phí vốn tăng lên đã ảnh hưởng trực tiếp đến biên độ lợi nhuận của các nhà băng.
Bên cạnh đó, có thể thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch bệnh bắt đầu "ngấm" vào hệ thống ngân hàng. Đơn cử như chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ đã hết hiệu lực từ ngày 30/06/2022, hiện đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp chưa thể trả nợ do khó khăn sau hai năm dịch bệnh. Tỷ lệ nợ xấu tăng, buộc ngân hàng phải tăng dự phòng bù đắp rủi ro... Bối cảnh trên khiến NIM của ngân hàng đang có xu hướng co lại, mỏng dần so với trước đây.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Trái lại tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt một nửa so với tín dụng, điều này tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động.
Nhìn lại thời gian qua, tình trạng thanh khoản căng thẳng đã hiện hữu. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ khoảng hơn chục phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm (16/8), đến ngày 7/9 đã chạm 6,48%/năm.
Bên cạnh dòng tiền bị bào mòn, giới đầu tư cũng trăn trở kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do chi phí vốn gia tăng. Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, NIM ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng bị ảnh hưởng do dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán có xu hướng tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất cao hơn.
“Diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như giai đoạn trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng “kiếm bộn” từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, NIM giảm dần và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Theo kế hoạch kinh doanh của 25/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, dự kiến tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt tối thiểu hơn 245.024 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với mức thực hiện năm 2021. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, mục tiêu này là vô cùng xa xỉ.
Bởi không chỉ NIM bị thu hẹp mà trong bối cảnh ngân hàng nhà nước kiên định kiểm soát kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay, trong khi đó đến 16/9 tăng trưởng tín dụng đã ở mức 10,47% nên mức tăng tín dụng những tháng cuối năm không còn nhiều.
Không thể phủ nhận, biên độ NIM sẽ không thể "khỏe" như trước đây là điều các nhà băng phải đối diện khi vừa phải duy trì mức lãi suất huy động đủ hấp dẫn, trong khi vẫn phải nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch. Ngân hàng phải chấp nhận "sống chung" trong vài tháng tới trước khi sức ép lạm phát giảm nhiệt. Song, trước mắt, muốn có biên độ lợi nhuận cao hơn trong một vài quý tới thì các rủi ro phải được giải quyết trước.
'Sống' dựa vào đâu?
Do đó, trong trường hợp “thể trạng” yếu, NIM bị ảnh hưởng nhưng vẫn muốn giữ nhịp tăng trưởng, Các chuyên gia khuyên các ngân hàng nên nâng cao năng lực quản trị về tài chính. Việc quản trị tốt cũng góp phần giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM.
Cùng với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Hiện nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm… những dịch vụ này phát triển sẽ cải thiện NIM của ngân hàng.
Đặc biệt, các nhà băng rầm rộ bước vào cuộc đua "số hóa" để mở rộng tệp khách hàng đồng thời thu hút tiền gửi thanh toán để tăng tỷ lệ CASA. Tỷ lệ CASA cao sẽ giúp ngân hàng thu hút một nguồn vốn rẻ, tiết kiệm chi phí giá vốn, có thêm điều kiện giữ ổn định lãi suất cho vay. Mặt khác, tỷ trọng CASA hiện nay của toàn hệ thống chỉ hơn 20%, vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng.
Đặc biệt, để NIM ổn định trong thời gian dài, không lên xuống thất thường theo diễn biến của thị trường. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, đã đến lúc phải thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng trước những bất lợi của thị trường.
Giờ "G" đã đến, đây chính là thời điểm các ngân hàng cần phải cải thiện các chỉ số tài chính tốt hơn để đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ huy động vốn ngắn hạn hiện chiếm trên 80% vốn huy động của ngân hàng trong khi nhu cầu vay trung, dài hạn rất lớn, đặc biệt là dư nợ cho vay bất động sản hầu hết có kỳ hạn dài.
Chênh lệch lớn về kỳ hạn gây rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Vì thế, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để kiểm soát rủi ro là cần thiết để "trả lại" chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn.
"Từ ngày 1/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22 quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Tôi rất ủng hộ quan điểm của ngân hàng nhà nước trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22 nữa. Đây được coi là "cửa thoát hiểm" bởi chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được”, ông Lịch nhận định.