Điểm tựa nào cho doanh nghiệp vượt bão Covid-19 lần thứ 3?
(DNTO) - Làn sóng dịch Covid-19 lần 3 tái bùng phát đã tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp rất cần có chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Khó khăn chồng chất
Năm 2021, dự báo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đối với ngành thủy sản Việt Nam, từ năm 2020 kéo dài đến nay, hoạt động xuất khẩu của ngành bị gián đoạn do đóng cửa biên giới. Hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, hiện tất cả chi phí đầu vào bao gồm: con giống, thức ăn, phụ gia hóa chất, vật tư, bao bì trong nhà máy chế biến … đều tăng giá.
"Dịch Covid-19 làm mặt hàng giá trị cao giảm doanh thu rất nhiều. Vì khi dịch xảy ra, khách hàng thắt chi tiêu, chủ yếu mua mặt hàng giá bình dân hơn. Giá đầu vào tăng, giá đầu ra lại bình dân khiến tiêu thụ bán lẻ tăng lên hơn tiêu thụ nhà hàng. Khi bán lẻ tăng thì bao bì, đóng gói cũng tăng, kéo theo giá thành tăng lên. Điều này thực sự tạo sức ép đối với doanh nghiệp”, ông Nam bày tỏ.
Ngoài ra ông Nam cho rằng, có những áp lực mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian này là những chi phí không kiểm soát được, đặc biệt là việc doanh nghiệp không book được container để vận chuyển hàng, khiến doanh nghiệp bị động, vì vậy chi phí lại tăng cao.
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc doanh nghiệp CNC Hồ Gươm, đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: Dịch Covid không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi xuất khẩu sản phẩm tươi sống chưa qua chế biến. Khi dịch xảy ra, chúng tôi dừng xuất khẩu, đồng nghĩa phải phá bỏ vùng nguyên liệu, người lao động mất việc làm, tất cả các khâu không khai thác được, phải đắp chiếu. Khi dịch giảm đi, đối tác có nhu cầu nhập khẩu thì chúng tôi trồng lại. Tuy nhiên doanh nghiệp lại gặp khó khi giá cước hàng không quá cao. Vì dịch phức tạp nên máy bay không có, cước tăng gấp 3 lần, vì vậy chúng tôi buộc phải dừng lại”, ông Bằng nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Bằng, Nghị định 57 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần điều chỉnh sát hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Vì đến giờ phút này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỉ, trong đó có doanh nghiệp của ông.
"Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần chi phí rất lớn, có đơn vị đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng để sản xuất được, tuy nhiên, nhưng mức hỗ trợ hiện nay tôi thấy chưa phù hợp. Thứ nữa, khi đưa ra mức hỗ trợ thì chủ yếu là hỗ trợ lĩnh vực chế biến, còn lĩnh vực sản xuất ra nguyên liệu lại rất ít”, ông Bằng thẳng thắn bày tỏ.
Cần sự hỗ trợ sát với thực tế
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho hay: Chính phủ thời gian qua có nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp du lịch sống bằng những vấn đề cụ thể chứ không bằng tinh thần chung chung được. Các chính sách của ta đều rất hay, tuy nhiên lại không xuống được với doanh nghiệp, vì tầng lớp trung gian là cơ quan thực hiện không thực hiện được.
“Tôi có cảm nhận chính sách của chúng ta rất khó thực hiện, tầng lớp trung gian, thực thi không đồng cảm với doanh nghiệp. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, chủ trương của chúng tôi là kêu gọi doanh nghiệp cố gắng tự chủ, người nọ đỡ cho người kia, chung tay vượt khó”, ông Bình nói.
Đưa ra đề xuất, ông Bình cho rằng, những chính sách mà Chính phủ ban hành năm 2020 đề nghị kéo dài đến năm 2021. Đồng thời, hãy thực hiện ngay những chính sách mà Nhà nước đã ban hành.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh: Những gói kích thích kinh tế thời gian qua rõ ràng là tốt, nhưng nhiều điều kiện trong đó lại khiến các doanh nghiệp khó với tới được. Ông Nam đề xuất: “Trong khi các loại thuế, phí khác đều được giảm, giãn, miễn để hỗ trợ doanh nghiệp, thì phí công đoàn vẫn giữ nguyên là 2% quỹ lương. Nếu được giảm phí công đoàn trong bối cảnh này sẽ rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Đây là mong muốn của nhóm 10 Hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi mong năm 2021 doanh nghiệp được hoãn đóng phí này”.