Đây là những động lực giúp tăng trưởng GDP 2024 cán mốc 6-6,5%
(DNTO) - Động lực cũ (sản xuất công nông nghiệp, dịch vụ, vốn FDI, xuất nhập khẩu…) và những động lực mới (kinh tế số, kinh tế xanh…) sẽ giúp Việt Nam có thể chống đỡ tốt với những con gió ngược.
Một mục tiêu cao nhưng hoàn toàn có cơ sở
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành báo cáo Chính phủ tính toán rất kĩ lưỡng, cân nhắc cả yếu tố thuận lợi, khó khăn, cũng như căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, để đề xuất Quốc hội mức tăng trưởng hợp lý nhất trong năm nay.
“Cũng rất chia sẻ với một số ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khá thách thức, một mục tiêu cao. Nhưng với cá nhân tôi vô cùng tin tưởng năm 2024 chúng ta đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%”, ông Phương nhấn mạnh.
Khi bàn đến câu chuyện giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này, luôn phải rà soát các động lực thúc đẩy. Theo vị Thứ trưởng, động lực đầu tiên chính là quyết tâm của Chính phủ cũng như nhiệm vụ đặt ra của Quốc hội với Chính phủ là ưu tiên tăng trưởng kinh tế.
“Tất nhiên thúc đẩy tăng trưởng cao phải đặt gắn chặt ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta không lơ là chuyện đó. Nhưng rõ ràng phải ưu tiên hơn việc thúc đẩy tăng trưởng, vừa để cố gắng làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm ở mức cao nhất có thể, vừa để tận dụng các cơ hội mà năm 2024 đem lại”, ông Phương nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế năm 2024 có thể dự báo được cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan ngay từ tháng đầu tiên. Động lực từ phía cung, trong đó cả 3 lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi tốt.
Trong năm 2023, nông nghiệp không chỉ khẳng định là trụ đỡ tốt của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn mà còn có tốc độ tăng trưởng khá tốt (3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây), đặc biệt là trong xuất khẩu nông sản. tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp mặc dù còn khiêm tốn nhưng tín hiệu phục hồi khá tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, trong đó có du lịch đã phục hồi hoàn toàn, bắt đầu đạt mức 1 triệu khách/tháng như trước đây, bên cạnh đó là các dịch vụ gia tăng (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…) cũng có mức tăng khá.
Về phía cầu, đầu tư nước ngoài đạt con số ấn tượng trong năm ngoái (giải ngân FDI ở mức kỷ lục, ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022). Trong tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng kí tăng 40%, vốn thực hiện tăng 9,6% so với cùng kì.
Đầu tư tư nhân kì vọng cán mốc 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Đầu tư công tiếp nối thành tựu năm 2023 khi mức độ giải ngân đạt trên 93%, mặc dù không đạt con số 95% như mục tiêu nhưng đây là con số khích lệ vì lượng vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn.
Về xuất khẩu, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức mua trong nước cũng tăng trưởng. “Mặc dù vẫn còn lo lắng cho rằng thu nhập người dân bị ảnh hưởng, sức mua chưa thể tăng trở lại như trước nhưng tôi cho rằng sức mua tiềm ẩn của thị trường trong nước còn rất lớn, đặc biệt khi áp dụng các phương thức thương mại mới như thương mại trực tuyến, cùng các chương trình kích cầu”, ông Phương nhận định.
Sức mạnh của những động lực mới
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trong Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nhấn mạnh phải rà soát và thúc đẩy tất cả các động lực đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả động lực truyền thống và động lực mới.
Một trong những động lực mới được vị Thứ trưởng nhắc tới là kinh tế số. Một điều đáng mừng là Việt Nam đã hoàn thành phương pháp thống kê tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Lần đầu tiên, Việt Nam công bố được con số này: trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020 - 2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%.
“Đây là mức cho thấy còn dư địa rất lớn để thúc đẩy kinh tế số trong năm 2024. Kết hợp với rất nhiều đề án, giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành như đề án 06, dự án phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng số, hạ tầng số… cho thấy kinh tế số năm nay được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và hoàn toàn có cơ hội gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng GDP”, ông Phương nói.
Một động lực mới khác là kinh tế xanh. Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam có cơ hội đi sâu phát triển lĩnh vực này, một mặt đạt mục tiêu Net Zero tới năm 2050, một mặt là tận dụng cơ hội thu về lợi ích từ thị trường carbon toàn cầu.
Năm 2024 cũng là năm Việt Nam có động lực mới từ việc gây dựng phát triển các ngành công ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ AI…
Theo ông Trần Quốc Phương, trong những định hướng chiến lược, Việt Nam luôn tiếp thu, học hỏi những yếu tố mới của kinh tế thế giới để vận dụng hiệu quả vào bối cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việt Nam có những mục tiêu dài hạn rất rõ nét đã được thông qua. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chúng ta đã xây dựng tầm nhìn đến 2045, hay trong các quy hoạch quan trọng của hệ thống quy hoạch tổng thể quốc gia như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương đều gắn với tầm nhìn 2030.
“Điều này cho thấy chúng ta đã vượt ra khỏi tầm nhìn 10 năm vốn dĩ đã làm từ trước tới nay với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội để nhìn xa hơn, rộng hơn và có định hướng dài hơi hơn trong phát triển đất nước”, Thứ trưởng Phương nói.