Đâu là động lực khiến dòng tiền 'đua nhau' chảy vào bất động sản phía Nam?
(DNTO) - Thời gian gần đây, "gió đã đổi chiều" trên thị trường bất động sản, nếu trước kia dòng tiền "yên vị một chỗ" tại sân nhà, thì nay khẩu vị nhà đầu tư miền Bắc đã thay đổi khi ồ ạt "Nam tiến" - coi thị trường phía Nam như một “miền đất hứa" để bắt đầu cuộc đua.
Vài năm gần đây, giới đầu tư bất động sản phía Bắc đang có xu hướng đánh bắt xa bờ khi mạnh tay rót vốn vào thị trường phía Nam, trọng tâm là TP.HCM và các địa phương phụ cận như Long An, Bình Thuận hoặc Bà Rịa- Vũng Tàu...
Mới đây, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam như Bình Thuận hay Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ các nhà đầu tư từ 40 - 60% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ riêng Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, số liệu từ chuyên trang Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TP.HCM tăng trở lại lần lượt là 17%, 9% và 8% trong thời gian ngắn vừa qua...
Theo Giám đốc cấp cao Savills, TS. Sử Ngọc Khương, khẩu vị liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian vừa qua rất được các nhà đầu tư chuyên lẫn không chuyên mặn mà ưa chuộng. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng từ miền Trung đổ vào vào phía Nam là một sân chơi đa màu sắc, đa dạng về chủng loại, về sản phẩm và được xem là một lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Cụ thể, nếu như trước đây, người miền Bắc thường đầu tư chủ yếu vào 2 phân khúc là căn hộ cho thuê hoặc đất nông nghiệp giá rẻ thì nay, tọa độ nóng là các đô thị quy mô lớn của những nhà phát triển uy tín, có tiềm lực. Họ đã nhìn thấy rằng, chỉ có các đô thị quy mô lớn đến rất lớn mới có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu, vừa an cư, làm việc, làm ăn kinh doanh kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; vừa mang đến cơ hội kinh doanh sinh lời hấp dẫn, giúp tối đa lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Trong sự dịch chuyển đó, đô thị du lịch là “làn gió tươi mát” định nghĩa lại cơ hội đầu tư của thị trường. Loại hình bất động sản này có nhiều ưu thế khi vừa là nơi an cư, nghỉ dưỡng, vừa là điểm đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời có thể được sử dụng như một bất động sản cho thuê, khai thác kinh doanh.
Thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư miền Trung, miền Bắc đã tham gia vào thị trường phía Nam. Ngay khu vực Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng vừa qua đã có một nhóm nhà đầu tư mới tham gia đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
“Đây là những nhóm nhà đầu tư mà tôi cho rằng họ có khuynh hướng tìm cơ hội ở những vùng đất mới. Ở phía Nam có sân bay Long Thành, đây là một điểm cộng lớn, có tính liên kết vùng rất cao, là một sân chơi lành mạnh cho các nhà đầu tư từ mọi miền Tổ quốc tham gia, là nơi có cơ hội cho tất cả”, ông Khương chia sẻ và cho biết, bên cạnh Vành đai 4 của Hà Nội thì Vành đai 3 của TP.HCM đã được Chính phủ thông qua, chính là động lực rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản.
Đơn cử, với sự đầu tư bài bản và đồng bộ về hạ tầng giao thông, Bình Thuận đang được đánh giá là “miếng bánh” đầy tiềm năng trên thị trường bất động sản phía Nam, thu hút các nhà đầu tư sành sỏi đến “chọn mặt gửi vàng”. Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đã hoàn thành và đưa vào khai thác; tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang được thi công gấp rút, cam kết đưa vào vận hành cuối năm nay sẽ rút ngắn hành trình TP.HCM – Phan Thiết xuống còn 2 giờ đồng hồ là động lực quan trọng thúc đẩy “cơn sóng ngầm” của thị trường bất động sản Bình Thuận nổi lên trong tương lai gần.
Với góc độ là một nhà đầu tư, bà Phạm Ngọc Phượng - Chủ thương hiệu Cafe Mai, tiết lộ, bà chọn đầu tư vào Novaworld Phan Thiết vì đây là dự án có đường bờ biển dài tới 7km, chủ đầu tư xây dựng nhiều tiện ích cho người ở như vui chơi, giải trí, rất nhiều điểm đến cho khách du lịch nước ngoài…
Bà Phượng cũng chia sẻ, hiện bà đang quan tâm đến bất động sản phía Nam và muốn Nam tiến từ lâu. “Cả chục năm trước, tôi đã đầu tư vào thị trường này vì giá thành phía Nam rẻ hơn, và điều quan trọng nhất là nếu có biến cố thì có thể thanh khoản nhanh. Trước kia, tôi đầu tư vào nhà phố tại miền Nam. Sau đó, tôi quan tâm và đầu tư đến bất động sản nghỉ dưỡng tại Phan Thiết (cụ thể là shophouse) tại những dự án của Novaland. Chuỗi Café Mai của chúng tôi hiện kinh doanh không phải trả tiền thuê nhà mà kinh doanh trên đất của mình nên cũng có nhiều lợi thế để phát triển”, bà Phượng nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, PGS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho bất động sản vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là các khu vực như Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)…
“Tôi đã có 10 – 12 năm tư vấn về đầu tư phát triển khu vực Duyên hải miền Trung, có thể nói dải biển này liên kết được bằng du lịch là nhờ có sự đóng góp lớn của Hội đồng ban chỉ đạo phát triển miền Trung. Miền Bắc và miền Nam có lợi thế phát triển công nghiệp, nhưng đối với miền Trung, theo tôi có thể bứt phá theo cách rất khác. Có lẽ nếu bứt phá được thì miền Trung sẽ đi đầu. Liên kết du lịch là liên kết mạnh, thị trường miền Trung sẽ hấp dẫn hơn”, PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.
Đồng thời, ông Thiên đưa ra dẫn chứng về số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng hơn 20% so với năm 2019, đây là con số rất ấn tượng. Đất nước chúng ta an toàn và phong phú về du lịch. Dự báo doanh thu du lịch năm 2024 sẽ đạt khoảng 11,1 tỷ USD, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vượt qua cả Thái Lan.
Phân tích thêm, TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong 5 dự án đặc biệt ưu tiên về hạ tầng cao tốc ở Việt Nam, có đến 2 dự án ở miền Trung, trong đó dự án nối Nha Trang với Buôn Mê Thuột là một trong những dự án vô cùng quan trọng. Có thể nói là bùng nổ về giao thông, logistics là một trong những bùng nổ quan trọng về đô thị.
"Cộng hưởng những điều kiện này làm cho sức mạnh của miền Trung tăng vượt cấp, thế giới sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn chính là nhờ vào vùng này. Đặt điểm nhấn du lịch vào khu vực Duyên hải miền Trung là hoàn toàn hợp lý, không còn nghi ngờ gì nữa. Đầu tư bất động sản dịch chuyển vào phía Nam không chỉ là xu hướng mà có thể khẳng định đó là điều tất yếu”, ông Thiên khẳng định.
Được ví như "ngôi sao mới" khi thu hút các nhà đầu tư sành sỏi đến “chọn mặt gửi vàng”, theo đó, bài toán đặt ra cho chính quyền địa phương cần có những chiến lược để thu hút nguồn lực về đầu tư cho các đô thị của mình, để người dân được hưởng lợi từ việc kinh doanh và sự phát triển của ngành du lịch.
Điều này giúp bổ sung nguồn vốn rất lớn cho thị trường, hút nguồn tiền từ các lĩnh vực khác và “sân chơi” này sẽ được mở rộng hơn ra các thành phố vệ tinh. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyển mình về, khi các quỹ đất đang còn nhiều và cơ chế cũng khá thuận lợi trong quy trình phê duyệt để thực hiện được dự án...