Đánh thức tiềm năng vùng đất Củ Chi và Hóc Môn: 'Hai con rồng ngủ quên đang chờ bay lên'
(DNTO) - Hóc Môn và Củ Chi, TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có thể "đánh thức" hai "con rồng ngủ quên" này, ngoài các cơ chế chính sách thích hợp, còn cần sự chung tay của các doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 12/4, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo của TP.HCM cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
"Đánh thức con rồng ngủ quên"
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Củ Chi và Hóc Môn không chỉ là hai vùng đất lịch sử mà còn là vùng đất chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM. Chủ tịch nước ví hai vùng đất giàu tiềm năng này như hai con rồng ngủ quên đang chờ bay lên.
Hiện tại, TP.HCM đang đóng góp 1/3 GDP của cả nước, tuy nhiên 2 huyện trên lại đang phát triển ở mức thấp, do đó thành phố cần có sự chung tay xây dựng để hai huyện phát triển xứng đáng với TP.HCM.
"Vấn đề đặt ra là chúng ta phải sẵn sàng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón các nhà đầu tư", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Các dự án đầu tư cần đặt người dân vào vị trí trung tâm, quan tâm đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt cần hướng đến bất động sản công nghiệp, nhà ở cho người nghèo, trường học được mở rộng.
"Các doanh nghiệp cần khẳng định uy tín đầu tư, triển khai đúng kế hoạch, nói không với tham nhũng. Ký phải làm ngay chứ không phải ký xong để đó. Những doanh nghiệp ký mà không làm thì sẽ nên kiểm điểm trước Quốc hội", Chủ tịch nước khẳng định.
Cuối cùng, theo ông, Hóc Môn và Củ Chi là không gian kinh tế tương đồng không thể chia cắt, do đó hai huyện phải đi cùng nhau, tận dụng lợi thế kinh tế từ quy mô kinh tế khu vực để cùng nhau phát triển.
"Không phải Hóc Môn, Củ Chi mong đổi mới nhờ nhà đầu tư bất động sản, tận dụng tăng giá nhà. Chúng ta mong muốn thu hút người giàu tới đây tạo công ăn việc làm nhưng cũng muốn người dân sống trong điều kiện tốt hơn, nhiều tiện ích xã hội hơn và ngang với khu vực trung tâm thành phố", ông cho biết.
"Nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm phải đến nơi đến chốn"
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, thành phố đã trải qua nhiều ngày tháng dịch bệnh nhiều khó khăn nhưng đó cũng là những ngày tháng được chứng kiến nghị lực kiên cường của người dân và doanh nghiệp.
Từng có giai đoạn TP.HCM phải chấp nhận tăng trưởng âm (-6%) vào cuối năm 2021, một con số chưa từng có từ trước đến nay. Tuy nhiên quý vừa qua, thành phố đã ghi nhận mức tăng trưởng dương, vượt qua nhiều chỉ tiêu quan trọng. Điều này khẳng định sức mạnh của người dân, doanh nghiệp TP.HCM nói chung và hai địa phương Hóc Môn, Củ Chi nói riêng.
Trong bối cảnh hiện nay, bài toán phát triển hai vùng đất này là một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố, thực hiện theo những phương hướng kế hoạch đã đề ra, qua đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thi đua thực hiện chiến lược phát triển thành phố.
"Nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm phải đến nơi đến chốn", ông Nguyễn Văn Nên cho biết. Theo ông, cùng với quyết tâm triển khai thực hiện kế hoạch với quyết tâm nhanh nhất, TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Hóc Môn và Củ Chi như cải tạo thủ tục môi trường đầu tư thông thoáng, bỏ bớt chính sách rườm rà... để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các dự án tại địa phương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết, thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, mở rộng không gian phát triển, mở rộng các khu công nghệ cao. UBND sẽ chỉ đạo các huyện hỗ trợ các nhà đầu tư để các dự án được triển khai sớm nhất. Những vướng mắc như quy hoạch sẽ được TP phối hợp các cơ quan chức năng xử lý sớm trong thờ gian tới.
"Tinh thần là TP.HCM sẽ cải cách hành chính để đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp", ông Phan Văn Mãi cho biết.
"Sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho Củ Chi và Hóc Môn"
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện kỳ vọng của mình cũng như quyết tâm của doanh nghiệp với hai vùng đất Hóc Môn và Củ Chi.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sovico, cho biết, hai vùng đất này gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử như địa đạo Củ Chi, với nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới. Doanh nghiệp của bà quan tâm đến khu vực phổ thông và người yếu thế, mong muốn được mang đến nhiều cơ hội sống tốt hơn cho người dân, qua đó chung tay phục hồi kinh tế tại TP.HCM.
Bà cam kết sẽ khởi động thêm một nhiều dự án tại đây góp phần cho tăng trưởng ngân sách ngân sách và sự phát triển của địa phương. Hiện tại doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã có 4 dự án đầu tư tại Hóc Môn, 7 dự án đầu tư tại Củ Chi với vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Đặng Thành Tâm, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, cho biết, hiện doanh nghiệp này có khá nhiều dự án đầu tư tại Củ Chi. Ông muốn khu công nghiệp tại đây sẽ được mở rộng thêm diện tích để có thể xây dựng nhiều tiện ích hơn cho người dân. Tại Củ Chi, doanh nghiệp quyết liệt khởi công khu nhà ở xã hội tạo chỗ ở cho 25.000 - 30.000 chỗ ở cho người có thu nhập thấp.
"Chúng tôi nguyện sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho hai vùng đất Củ Chi và Hóc Môn", ông nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn Phú Cường, ông Nguyễn Việt Cường, cho biết doanh nghiệp của ông là một doanh nghiệp thực lực tài chính và luôn mong muốn được đầu tư vào TP.HCM, mong muốn cho đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở nhất là nhiều dự án không được tháo gỡ vướng mắc gây rủi ro cho doanh nghiệp. Ông cho biết, có dự án năm nay là đúng pháp lý nhưng có thể năm sau đã sai. Bản thân doanh nghiệp luôn muốn làm đúng nên rất bức xúc. Do đó, điều cần nhất để khuyến khích đầu tư là cần cản thiện vấn đề pháp lý.
"Chúng tôi cần cam kết từ phía các cơ quan chức năng, mong muốn cơ quan chức năng xem chúng tôi như đối tác khách hàng, trao đổi hướng dẫn kịp thời để đảm bảo hoàn thành dự án", ông Cường chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi đã diễn ra lễ trao Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư và trao Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư, cụ thể như sau: Trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng); Trao 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng).
Mở rộng phát triển phía Tây Bắc TP.HCM Quy hoạch chung TP.HCM, được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24), định hướng phát triển không gian thành phố đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc. Theo đó địa phương sẽ lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 2 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TP.HCM. Ngoài ra, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng như nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan toả từ nội thành; tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh... |