Đầu tư đất tại 5 huyện ngoại thành TP. HCM, thị trường nóng nhưng đừng vội
(DNTO) - Thông tin về lộ trình nâng cấp lên quận của 5 huyện ngoại thành TP. HCM (Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn), đã khiến giá đất tại các địa phương này tăng cao so với thời điểm cuối năm ngoái. Thị trường nóng nhưng liệu nhà đầu tư có nên xuống tiền “ôm hàng” chờ thời?
Giá đất tăng từng ngày
Khảo sát vừa công bố của Công ty DKRA Việt Nam (DKRA), giá đất tại các huyện ngoại thành Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn của TP. HCM tính đến tháng 3 năm nay bất ngờ tăng mạnh, mức tăng trung bình từ 3-20% so với dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Giá đỉnh đạt 45-92 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào mỗi khu vực.
Trong các huyện trên, Cần Giờ là địa phương có giá đất tăng cao nhất, với mức tăng 10-20%, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất thổ cư nằm ở một số trục đường lớn của thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Hiện tại giá đất giao dịch ở các khu vực này giao động từ 17 – 55 triệu đồng/m2.
Một trong những nguyên nhân được nhiều người đưa ra lý giải cho tình trạng giá đất tăng cao tại địa phương này là do có thông tin về dự án lớn sẽ đầu tư ở đây và cầu Bình Khánh (thay cho phà cùng tên) đang chờ khởi công.
Sau Cần Giờ, giá đất tại Nhà Bè giữ mức tăng thứ 2, giao động từ 16-55 triệu đồng/m2, tăng 3-5% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều người, đây là mức tăng thấp, bởi Nhà Bè có nhiều tiềm năng phát triển, vị trí lại thuận lợi giáp ngay với TPHCM.
Trong khi đó tại huyện Bình Chánh, xét về mặt bằng trung, giá đất thổ cư tăng 0 - 5%, trong đó điển hình có sự tăng đột biến của khu dân cư Trung Sơn, với mức giá 80-217 triệu đồng/m2.
Khu vực Hóc Môn có giá đất cũng tăng 2-5% so với cuối năm 2020, trung bình mỗi mét vuông đất ở đây có giá từ 20-45 triệu đồng, tập trung ở khu vực đất thổ cư một số trục đường lớn ở Xuân Thới Thượng và xã Đông Thạnh.
Bên cạnh việc giá đất tăng cao, nhu cầu giao dịch bất động sản tại các huyện ngoại thành trên cũng tăng bất ngờ trong tháng 3, điển hình như Nhà Bè, Bình Chánh tăng lần lượt 58% và 90%; tại Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi tăng lần lượt là 55%, 60% và 40%.
Những con số trên đủ để thấy sức nóng và độ hót của thị trường bất động sản tại 5 huyện của TP. HCM, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid 19 đang tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội trong nước.
Nhà đầu tư có nên “ôm hàng” chờ thời?
Theo một người dân ở huyện Nhà Bè cho biết, giá đất tại đây đang tăng theo từng ngày, vừa mua hôm nay nhưng chỉ hai tuần sau, người mua đã lời tới 200 triệu đồng. Cũng theo anh này, môi giới đầu tư bất động sản không ngừng đổ dồn về đây săn lùng, tuy nhiên mua "chờ thời" là chính chứ ít người có ý định ở lâu dài.
Thực tế cho thấy, thông tin 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ lên quận mới chỉ nằm ở dạng đề xuất theo lộ trình, theo đó Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè lên quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP. HCM) trong giai đoạn 2021-2025, trong khi đó Củ Chi và Cần Giờ sẽ được chuyển lên quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP. HCM) trong giai đoạn 2025-2030.
Chắc chắn một điều rằng, khi được nâng cấp lên quận hoặc thành phố, các địa phương trên sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, và đương nhiên bản thân người dân sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, hiện thực đó không phải kế hoạch của 1 hay 2 năm ngắn hạn mà là lộ trình của 5 năm hoặc 10 năm tiếp theo, một khoảng thời gian không hề ngắn.
Do đó, trong quyết định xuống tiền đầu tư, nhà đầu tư bất động sản cần đặt ra các câu hỏi: Tiềm năng của các khu vực này là gì? Dự kiến cũng như lộ trình các dự án mới, cũng như cơ sở hạ tầng ở đây như thế nào? Khả năng sinh lời của dự án? Đồng thời cũng phải lưu ý đến vấn đề pháp lý các dự án…
Ngoài ra, “với ý định tìm mua nhà đất tại các khu vực này, trước hết tìm hiểu tính pháp lý của bất động sản muốn mua, các vấn đề liên quan như quy hoạch, giao thông đường xá,… Những thông tin này có thể được tham khảo tại cơ quan chức năng địa phương. Khi tìm mua dự án, nên cân nhắc những dự án của các chủ đầu tư lớn uy tín”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA cho hay.
Kinh nghiệm cho thấy, không phải lúc nào đầu tư bất động sản cũng sinh lời dễ dàng. Đơn cử như cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước khi có thông tin sắp quy hoạch đất tại khu vực này để xây sân bay Téc-Ních, giá đất bất ngờ tăng vọt rồi lại đìu hiu trong 2 tuần khiến nhà đầu tư thiệt hại khi mua với giá trên trời.
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Trước hết, các nhà đầu tư, người mua bất động sản cũng cần tỉnh táo, có kiến thức, bản lĩnh đủ tốt để tránh sập bẫy của "cò" đất, sàn giao dịch bất động sản thiếu lương tâm, bất chấp pháp luật để trục lợi”.