Đại gia ngoài ngành đua nhau lấn sân địa ốc bằng loạt dự án lớn: Cơ hội không dành cho tất cả
(DNTO) - Bất động sản đang hồi phục, dù khó trở về thời hoàng kim, song tiềm năng là hiện hữu. Những con số lợi nhuận hào nhoáng khiến địa ốc trở thành miếng bánh hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp "ngoại đạo" âm thầm nhảy vào. Tuy nhiên, ồ ạt chạy theo lợi nhuận trong khi kinh nghiệm hạn chế, bắt mạch thị trường yếu, khiến cuộc chơi nhanh chóng bị gác lại.
Tham vọng chia lại 'miếng bánh' thị phần bất động sản
Thị phần ngành xây dựng đang dần bị co lại, trong khi có nhiều lợi thế để “lấn sân” sang đầu tư dự án vì sự kết nối tương đối lớn, đó là lý do khiến không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rót cả “núi tiền” với tham vọng tận dụng thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận. Một trong những động thái rõ ràng cho quyết tâm tìm động lực mới trong năm 2024 của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) - doanh nghiệp chuyên thi công, lắp đặt công trình, là góp vốn thành lập công ty mới hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
Cụ thể, HVH góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó HVC Group góp 105 tỷ đồng, tương đương 70%. Còn lại thuộc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.
Một công ty xây dựng khác là Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng đang tích cực xúc tiến đầu tư các dự án bất động sản. Mới nhất, HTN nằm trong số các liên danh đăng ký tham gia thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị Cầu Rào 2, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Phenikaa A&A Group - Tập đoàn mẹ của nhà sản xuất đá thạch anh Vicostone (mã VCS) “âm thầm” lấn sân bất động sản sau khi ra mắt dự án Endless Skyline Westlake gần Hồ Tây, Hà Nội với giá khoảng hơn 900 tỷ đồng, mục đích phát triển tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp.
Không chịu đứng ngoài, ngay cả các đại gia "ngoại đạo" cũng đang tích cực lên kế hoạch mở rộng quỹ đất. Hồi tháng 1/2024, Hoa Sen (HSG) là một trong những tên tuổi gây chú ý nhất khi quyết định rót nghìn tỷ vào bất động sản để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở. Từ đó, có thể sử dụng làm văn phòng cho HSG hoặc cho thuê cũng như chuyển nhượng. Để hiện thực hóa mục tiêu, “ông lớn” ngành tôn mạ thông qua nghị quyết góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn chuyên đầu tư vào địa ốc, 60% vốn còn lại từ các cổ đông sáng lập khác.
Ngày 8/1/2024, “vua tôm” Minh Phú (MPC) gây xôn xao khi công bố thông tin bất thường gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), về việc đã hoàn tất bổ sung quyết định đầu quân vào bất động sản. Trước đó, MPC đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương dự án Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dự án có quy mô hơn 17,6ha, tổng vốn đầu tư 632,8 tỉ đồng, phục vụ quy mô dân số 3.200-3.800 người.
Trong “cơn say” bất động sản, một loạt các doanh nghiệp trên sàn khác cũng đang tuyên bố “bẻ lái” sang lĩnh vực này. Một trong số đó là CTCP TCO Holdings (TCO), đang tuyên bố mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp...
Thực tế, chuyện các nhà thầu bẻ lái sang bất động sản không còn quá xa lạ. Trước đó, hàng loạt các ông lớn xây dựng như Ricons, Newtecons, Fecon, Coteccons... cũng lần lượt xuất hiện trong vai trò trực tiếp đầu tư dự án. Việc xuất hiện các "tân binh" triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và các năm sau.
"Hàng loạt dự án mới được triển khai kỳ vọng sẽ góp phần phá băng thị trường, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài", TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá.
Rủi ro chực chờ khi ồ ạt chạy theo lợi nhuận
Có thể thấy, sau đợt sóng đầu tư của loạt đại gia "tay ngang" vào bất động sản trong những năm đầu 2011-2015, đến nay khi chu kỳ khủng hoảng 2022-2023 dần về cuối, thị trường bất động sản lại tiếp tục "bùng lên" đợt sóng mới. Dẫu vậy, theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực.
Bên cạnh những ông lớn ngoài ngành có doanh thu tăng "khủng" từ địa ốc, như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản, báo lãi quý 2/2023 tăng đột biến 754 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ... thì không ít cái tên “vỡ mộng” khi lấn sân vào bất động sản.
Điển hình, ngoài "vua tôm" Minh Phú, trước đó, hàng loạt đại gia thuỷ sản như Nam Việt (ANV), Thủy sản Sài Gòn (SSN), Hùng Vương (HVG) cũng từng "ngậm trái đắng". Còn nhớ vào tháng 4/2023, ANV bất ngờ thông qua kế hoạch giải thể công ty con mới thành lập trong lĩnh vực bất động sản chỉ sau 1 năm thành lập. Tương tự, HVG - doanh nghiệp gắn liền với danh xưng "vua cá tra" Hùng Vương, từng đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu thủy sản, với doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, cũng đã phải gác lại giấc mơ bất động sản của mình khi thị trường gặp khó.
Rõ ràng, cơ hội là rộng mở với các doanh nghiệp, song điều quan trọng với những “tân binh” là phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản, từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng. Câu chuyện của nhiều ông lớn nhanh chóng “quay xe” chỉ sau khoảng 1 năm lấn sân vào bất động sản do đánh giá chưa đúng tình hình thị trường đã phản ánh rõ điều này.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam, "ông trùm" tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho rằng, trong ngắn hạn, thông tin mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thường tạo kỳ vọng về sự đột phá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Để kỳ vọng này được xây dựng trên một nền tảng chắc chắc, nhà đầu tư cần xem xét, tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chiến lược đầu tư cụ thể ra sao...
"Khuyến cáo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ. Việc đầu tư trực tiếp vào dự án xác định làm xong bán được là bán ngay, không ôm đồm, tích tụ. Bài học của những doanh nghiệp thất bại trước là vết xe mà hiện tại các doanh nghiệp cần tránh đi vào", vị chuyên gia nhấn mạnh.