Covid-19 đẩy doanh nghiệp phải chạy nhanh và quyết liệt
(DNTO) - Các chuyên gia trong buổi tọa đàm của Asus sáng 2/12 đã nhấn mạnh phải thật quyết liệt chuyển đổi số vì năm 2021 đang mở ra với rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng trăm doanh nghiệp đến dự tọa đàm: “Làm sống lại doanh nghiệp thời khủng khoảng” sáng 2/12 được ban tổ chức phát cho khẩu trang trước khi vào hội trường đã minh chứng cho thấy doanh nghiệp không thể chủ quan khi Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường cũng như một năm mới 2021 cận kề với rất nhiều kịch bản cần được chuẩn bị thấu đáo.
Theo ông Eric Lee - Tổng giám đốc ASUS Việt Nam chia sẻ: hầu hết các nền kinh tế lớn đều chịu thiệt hại khiến các nhu cầu mua sắm hàng hóa sụt giảm. Dự đoán năm 2021, GDP sẽ tiếp tục giảm hơn 3,25%, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể vì nhu cầu giảm hơn 7%, đầu tư kinh doanh giảm khoảng 13%.
Dù Việt Nam được Quỹ tiền tệ IMF dự đoán kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6.5%, nhưng để đạt được các mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần phải đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh mới để ứng biến với giai đoạn “bình thường mới”. Và việc cần làm lớn nhất đó là chuyển đổi số.
Thật ra câu chuyện chuyển đổi số đã được nhắc đến tại Việt Nam rất nhiều lần bởi rất nhiều chuyên gia. Nhưng năm 2020, Covid-19 chính là động lực buộc các doanh nghiệp phải mạnh dạn chuyển đổi số mạnh và nhanh hơn nữa thì mới có thể tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch học viện Doanh Nhân MVV đưa ra một ví dụ 1 ông chủ bán hủ tíu nhỏ đã tự mua phần mềm để quản lý doanh số, hoạt động kinh doanh và tối ưu được chi phí.
“Chuyển đổi số không phải là chuyện gì to tát mà nó nằm ở tư duy người làm chủ doanh nghiệp. Nếu chỉ làm những gì quen thuộc thì doanh chủ may mắn tồn tại, phát triển bình thường. Nhưng nếu dám tư duy mới, làm những việc khác với những gì mình biết, chịu học hỏi thì doanh nghiệp mới có thể lớn lên và phát triển”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phó Đức Giang - Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ an toàn thông tin PwC Việt Nam nói rằng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá cao. Tuy vậy, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải dám bước ra khỏi vùng an toàn và hành động thật quyết liệt.
Từ kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài lẫn Việt Nam, ông Giang chỉ ra rằng không phải doanh nghiệp cần đầu tư bao nhiêu cho chuyển đổi số mà mọi kế hoạch cần phải dựa trên thực tế và phải có sự quyết tâm thực hiện. Mặt khác, khi đã có một kế hoạch, một mục tiêu rõ ràng, các doanh nghiệp Việt mới có thể dễ dàng gọi được vốn từ những nhà đầu tư.
Tương tự, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Giám đốc cao cấp JLL Việt Nam nói rằng ngay cả lĩnh vực bất động sản - một ngành được đánh giá có nhiều điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài thì các công ty bất động sản, các sàn giao dịch cũng cần phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận của mình với khách hàng. Thời của các tele sale hay cách bán hàng call-call dần bị thay thế. Hành vi và thói quen mua sắm của khách hàng ngày càng tinh tế và đòi hỏi người mua, người bán phải có sự tiếp cận khác hơn.
Chuyển đổi số ra sao là từ thực tế của từng doanh nghiệp, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và sẳn sàng bước qua vùng an toàn.
Bà Trang Lâm, Giám đốc Marketing Asus nói rằng trước mắt, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nhu cầu chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp càng lúc càng thấy làm việc linh hoạt là một bước đi mà doanh nghiệp nào cũng phải chuẩn bị cho đội ngũ của mình. Các tổ chức không có lựa chọn nào khác ngoài việc đón nhận một mô hình làm việc lai (hybrid) và linh động (flexibility) nhằm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong giai đoạn bình thường mới.
Theo báo cáo của IDC, 75% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng họ đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về làm việc linh động do đại dịch Covid-19. Trong đó, máy tính xách tay và điện thoại thông minh là yêu cầu quan trọng cần đầu tư đối với doanh nghiệp để phù hợp với mô hình làm việc lai (Hybrid).
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn “bình tường mới”, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt hơn đồng thời quan tâm nhiều hơn đến chuyện bảo mật thông tin bởi chuyển đổi số và bảo mật thông tin quản lý doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là giá trị cạnh tranh bắt buộc trong kỷ nguyên công nghệ thông tin 4.0.