Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt đang kinh doanh tại Myanmar giữa lúc chính biến?
(DNTO) - Hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Đa số các DN là thành viên của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Trong số các DN Việt đang kinh doanh đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này, có thể kể đến một số tên tuổi lớn như Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Viettel, Vietnam Airlines,..
Đứng trước nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của cơn đại dịch. Giờ đây, các DN nước ngoài đang hoạt động tại Myanmar, trong đó có Việt Nam lại đang phải đối đầu với những thách thức và khó khăn mới khi xảy ra những bất ổn chính trị đang leo thang ở quốc gia này.
Theo hãng tin Reuters, sáng 1/2, kênh truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong 1 năm, sau khi các lãnh đạo chính phủ bị bắt giữ sáng cùng ngày.
Theo quân đội, chính biến mới nhất này là do các sai phạm "khổng lồ" trong cuộc bầu cử năm ngoái. Quyền lực sẽ được trao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing.
Sau vụ việc, mạng điện thoại và dữ liệu của Myanmar đã tê liệt trong sáng 1/2 với kết nối Internet chậm hơn 75% mức thông thường. Đài truyền hình quốc gia MRTV và kênh Myanmar Radio cũng không thể phát sóng.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, lên nắm quyền kể từ sau chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 2015. Trước đó bà bị giam giữ tại gia trong nhiều thập kỷ.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, NLD tuyên bố chiến thắng vào ngày 9/11 sau khi đạt được đủ số ghế để tự thành lập chính phủ riêng như cách đây 5 năm.
Căng thẳng chính trị gia tăng tuần trước với việc người phát ngôn quân đội không loại trừ khả năng đảo chính trước khi quốc hội họp vào sáng 1/2 và tướng Min Aung Hlaing đề cập đến khả năng hủy bỏ hiến pháp.
Trong những năm gần đây, Myanmar được đánh giá là thị trường tiềm năng, với vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác đầu tư và phát triển thương mại của Việt Nam.
Dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ là những lý do khiến Myanmar trở thành thị trường đầu tư mới nhiều tiềm năng đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều rào cản không nhỏ về cơ sở hạ tầng, tiền tệ... đang thách thức lòng quyết tâm và kiên trì của các DN nước ta ở “miền đất hứa” này.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar đạt 943 triệu USD trong năm 2019 và 724 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Số vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar trong năm tài khóa 2020 là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thị trường này. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hợp tác, kinh doanh của nhiều DN Việt Nam tại Myanmar.
Ngày 1/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN".