Chuyên gia SSI: Nhà đầu tư chứng khoán có thể yên tâm về yếu tố lạm phát
(DNTO) - Sang năm 2022, lạm phát có thể tăng cao trong một, hai tháng nhưng sẽ nhanh chóng quay trở lại, do đó sự ảnh hưởng của yếu tố này đến thị trường chứng khoán sẽ là không nhiều, chuyên gia từ SSI nhận định.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong hơn một tuần giao dịch, vừa qua VN-Index liên tục tăng điểm, chạm mốc kỷ lục mới. Dòng tiền mới gia nhập nhiều hơn đẩy giá trị giao dịch toàn thị trường tăng cao nhanh chóng, có phiên đạt tới hơn 50.000 tỷ đồng.
Kinh tế trong nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, sau giai đoạn giãn cách bắt đầu từng bước hồi phục trở lại. Tuy nhiên, nhiều yếu tố như chi phí đầu vào tăng, giá xăng dầu leo dốc... đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư lo lắng đến các yếu tố lạm phát trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ở đỉnh cao và nhà nước chuẩn bị phê duyệt các gói hồi phục kinh tế mới.
Phát biểu trong hội thảo về chứng khoán gần đây, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) cho biết, nhà đầu tư không nên quá lo lắng về lạm phát trong thời gian tới bởi sự điều hành của Chính phủ sẽ hạn chế tối đa yếu tố này.
Với năm 2021, lạm phát sẽ không thể xảy khi chỉ còn hai tháng nữa hết năm. "Năm 2021 coi như gần kết thúc, lạm phát khoảng 1,8%. Vậy thì hai tháng 11 và 12 nếu có cao cũng không đáng lo ngại bởi tính trung bình 12 tháng chắc chắn rất thấp, chỉ loanh quanh 2-2,5% và chắc chắn không vượt được mức mục tiêu của Chính phủ", ông Hưng nhận định.
Bước sang năm 2022, yếu tố này chắc chắn phải được tính đến, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn tết, chỉ số này sẽ tăng cao. Tuy nhiên theo ông Hưng, "Chính phủ điều hành chính sách không phụ thuộc vào số liệu 1 hay 2 tháng". Một ví dụ cụ thể là đầu năm 2020, lạm phát tăng cao nhưng ngay sau đó được điều chỉnh và nhanh chóng quay lại ổn định. Chuyên gia SSI dự báo, năm 2022 cũng sẽ như vậy.
"Lạm phát kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn lạm phát thật. Khi lạm phát cao trong 1-2 tháng, Chính phủ sẽ điều hành quay trở lại. Do đó, sự ảnh hưởng của lạm phát đến thị trường chứng khoán là không nhiều".
Giải đáp thắc mắc về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng đang được trình Chính phủ có ảnh hưởng đến lạm phát hay không, ông Hưng cho biết, chương trình sẽ kéo dài đến 1-2 năm chứ không phải trong ngắn hạn.
"Về quy mô, nhiều người cứ nặng nề là các gói chiếm bao nhiêu phần trăm của GDP và cảm thấy thích thú khi số này lớn. Tuy nhiên, thực tế là cách ước tính về quy mô gói và phần lớn các gói hỗ trợ khi chi ra thực tế sẽ không bằng các số như vậy", ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, giai đoạn này là quá sớm để nhận xét về chương trình mà cần chờ khi kế hoạch được công bố.
"Liệu quy mô của chương trình có ảnh hưởng đến lạm phát không? Điều này phụ thuộc vào kết cấu chính sách. Tuy nhiên quy mô chương trình không phải quá lớn để ảnh hưởng đến lạm phát", ông Hưng nhận định.
Báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán Mirea Asset cho biết, trong quý 4 năm nay, lạm phát sẽ tăng cao nhu cầu chi tiêu vào cuối năm và sau giãn cách. Tuy nhiên, Mirea Asset nhận định lạm phát vẫn được kiểm soát tốt nhờ các yếu tố như nhu cầu về văn hóa, giải trí, du lịch và chính sách đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường của Chính phủ.
"Năm 2022, lạm phát được kỳ vọng vẫn kiểm soát ổn định dưới mức 4%. Một số yếu tố có thể gia tăng rủi ro lạm phát, bao gồm: Tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá hàng hóa gia tăng", Mirea Asset dự báo.