Cổ phiếu GAS bùng nổ: Đà tăng liệu có bền?
(DNTO) - Cổ phiếu Công ty PV Gas (HoSE: GAS) đang trên sóng tăng khi đỉnh điểm ngày 27/10 bật lên gần 7%. Được đánh giá là cổ phiếu vẫn đang hưởng lợi sau giai đoạn Covid-19 nhưng liệu đà tăng này có tiếp diễn, nhà đầu tư có nên ưu tiên nắm giữ trong giai đoạn hiện nay?
Giá năng lượng thế giới tăng cao
Sau giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội, khi bước đầu kiểm soát được Covid-19, các nước trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, thúc đẩy mạnh nhu cầu về năng lượng. Cụ thể, giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG - Liquefied natural gas) trên toàn cầu cao kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên đang thiếu hụt.
OPEC+ thận trọng, chỉ duy trì mức tăng sản lượng chậm, ổn định, bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng khai thác dầu tăng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11.
Vào đầu tháng 10, giá LNG giao ngay tại Henry Hub đạt mức 6,3 USD/mmbtu, tăng 143% so với mức đầu năm, và tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất tính từ tháng 12 năm 2008. Đơn cử tại Mỹ tuần qua, giá khí tự nhiên tăng khoảng 3% lên mức cao nhất một tuần.
Theo IEA, giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng cao đang gây áp lực buộc các công ty sản xuất điện và các nhà sản xuất khác chuyển sang sử dụng dầu, một xu hướng có thể giúp nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng thêm 500.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên hiện tại, giá dầu thế giới cũng không hề "dễ chịu". Giá dầu thô Brent chốt phiên ngày 22/10 đạt 85.53 đô la/thùng; tính chung cả tuần tăng 1% và là tuần thứ 7 tăng liên tiếp. Dầu WTI lên 83.76 đô la/thùng, tính chung cả tuần tăng 1.7%, là tuần tăng thứ 9 liên tiếp.
Tổ chức OPEC+ vẫn thận trọng khi chỉ duy trì mức tăng sản lượng chậm và ổn định, bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng khai thác dầu tăng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11.
Trong khi đó, nhu cầu thế giới với năng lượng dầu và khí ngày càng mạnh mẽ hơn khi châu Á đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt và nhu cầu của Trung Quốc tăng cao do nền kinh tế nước này hồi phục sớm.
Hưởng lợi từ thế giới
Từ giá 91.000 đồng/cổ phiếu trong ngày 20/9 vừa qua, sau hơn một tháng, GAS đã chạm mốc 112.000 đồng/cổ phiếu, tím ngắt trong ngày 27/10, mặc dù có trải qua vài phiên điều chỉnh giảm trước đó.
Phiên giao dịch hôm qua cũng ghi nhận khối lượng giao dịch lớn với hơn 4 triệu cổ phiếu trong ngày, trong khi khối lượng trung bình 5 phiên gần đây nhất của GAS chỉ hơn 2 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Với đột phá này, GAS đã lọt TOP 5 về giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán, đứng sau các tên tuổi như VIC, VCB, VHM và HPG. Sự thành công của cổ phiếu dầu khí này được giải mã đến từ diễn biến giá cả trên thế giới.
Một trong những hoạt động quan trọng của PV Gas là thực hiện thu gom khí khô sau đó xử lý và phân phối đến các khách hàng; đồng thời cũng là nhà phân phối lớn khí LPG đến các doanh nghiệp bán buôn.
Quý 3 năm nay, PV Gas ghi nhận kết quả kinh doanh thuận lợi khi doanh thu tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ; trong đó, giá dầu FO Singapore và giá LPG tham chiếu cũng có mức tăng 66,1% và 82,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng quý 3 đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, GAS đã hoàn thành hơn 64% kế hoạch lợi nhuận ròng của cả năm 2021.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ khí khô và sản lượng LPG (Liquified Petroleum Gas) đã sụt giảm trong quý lần lượt là 26% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này được nhận định do sự tác động của dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu trong nước về sản phẩm này.
Cơ hội nào với GAS?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ khí khô và LPG của PV Gas sẽ là tạm thời khi các hoạt động kinh tế trong nước hồi phục trở lại.
Trong giai đoạn tới, cổ phiếu Công ty PV Gas tiếp tục nhận được nhiều đánh giá khả quan từ các chuyên gia chứng khoán. Theo Công ty VNDirect, GAS đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như kho cảng LNG Thị Vải dự kiến đi vào hoạt động nửa cuối năm 2022 sẽ đáp ứng nhu cầu điện dự kiến tăng trưởng mạnh sau đại dịch cũng như sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khí. Đây cũng dự án đầu tiên liên quan đến LNG của nước ta, kỳ vọng sẽ tạo đà cho PV Gas tăng trưởng trong tương lai.
VNDIRECT duy trì các khuyến nghị khả quan với GAS với giá mục tiêu cao hơn 130.800 đồng. "Chúng tôi nâng P/E mục tiêu 2022 từ 17,3x lên 21,4x, cũng như điều chỉnh giảm hệ số beta cổ phiếu từ 1,1x xuống 1,0x (dựa trên số liệu ước tính 1 năm của Bloomberg). Các điều chỉnh của chúng tôi giúp làm mờ tác động của việc giảm dự phóng EPS 2021, dẫn đến mức giá mục tiêu cao hơn là 130.800 đồng, tăng 19% so với báo cáo trước đó", VNDIRECT nhận định.
Tuy nhiên, rủi ro đầu tư của GAS có thể xảy ra xuất phát từ vấn đề khi giá dầu giảm thấp cũng như sự chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng trọng điểm trong nước.
Đứng ở một góc nhìn khác, trong một báo cáo của mình, SSI lại cho rằng, do giá LNG trong nước đang không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán mà sử dụng giá FO hoặc LPG làm cơ sở, do đó, khi LNG tăng giá mạnh cũng sẽ đẩy FO, LPG tăng theo, khiến mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp cũng sẽ không nhiều. Theo đó, định giá cổ phiếu của các cổ phiếu của nhóm ngành này cũng sẽ không còn hấp dẫn.
SSI khuyến nghị tích lũy cổ phiếu GAS tại các nhịp đi với giá mục tiêu là 118.500 đồng/cp (mức tăng giá 9% so với giá ngày 5/10).