Ngành dầu khí trên đà hồi phục mạnh mẽ
(DNTO) - Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT vừa công bố báo cáo về ngành dầu khí. Kết quả cho thấy ngành dầu khí đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Giá dầu Brent đã leo lên mức 68 USD/thùng trong tháng 3, tăng 31,2% kể từ đầu năm 2021, và 58,1% so với giá dầu trung bình năm 2020 (xấp xỉ 43 USD/thùng). Trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do nhiều quốc gia tiếp tục chính sách hạn chế đi lại do sự lây lan của các biến chủng mới, VNDIRECT thấy rằng đà tăng của giá dầu chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố từ phía nguồn cung, bao gồm OPEC+ bất ngờ gia hạn cắt giảm sản lượng sau cuộc họp cấp Bộ trưởng trong tháng 3 .
Trong cuộc họp gần nhất vào ngày 3/4, các thành viên OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện tại thêm 1 tháng nữa đến tháng 4, trong đó cho phép Nga và Kazakhstan tăng sản lượng ở mức không đáng kể, lần lượt là 130.000 và 20.000 thùng/ngày.
Saudi Arabia cũng gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1tr thùng/ngày đến tháng 4. Quyết định này gây ra nhiều bất ngờ khi thị thường kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng từ tháng 4, cho thấy quyết tâm của tổ chức trong việc hỗ trợ cho đà tăng vững chắc của giá dầu.
Giá lạnh kỷ lục tàn phá sản lượng dầu thô của Mỹ trong quý 1/2021
Trong đợt lạnh vào tháng 2, tổng sản lượng dầu thô của Mỹ giảm gần 40%, tương đương hơn 4 triệu thùng/ngày do giá lạnh kỷ lục làm đóng băng các giếng khoan trên khắp miền trung nước Mỹ, đặc biệt là ở Texas, bang sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ.
Theo những nguồn tin trong ngành, các nhà máy lọc dầu dọc theo vịnh Mexico đã buộc phải ngừng sản xuất do tình trạng đóng băng và thiếu điện; và phải mất 2-3 tuần để các nhà máy này có thể hoạt động trở lại bình thường. Do đó, sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn tại Mỹ đã góp phần hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong tháng 2 vừa qua.
VNDIRECT điều chỉnh giả định giá dầu Brent trung bình năm 2021 lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó (53 USD/thùng) dựa trên kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhờ việc triển khai vaccine và gói kích thích kinh tế của Mỹ, và những tín hiệu tích cực hơn mong đợi từ phía nguồn cung. Theo đó, VNDIRECT giả định giá dầu FO Singapore sẽ biến động cùng chiều với dầu Brent, đạt mức trung bình 340-350 USD/tấn trong năm 2021.
Các yếu từ phía cầu sẽ là động lực chính cho sự phục hồi bền vững của giá dầu
Tiêm phòng là chìa khóa cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới. Theo dữ liệu do Bloomberg thu thập, hơn 400 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng tại 132 quốc gia tính đến ngày 18/03, chủ yếu là ở các nước phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tại châu Á và châu Phi cũng đã nhận được hơn 20 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, một trong ba trụ cột của cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 do WHO dẫn đầu. Điều này cho thấy nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch trên phạm vi toàn cầu.
Thứ hai, gói kích thích tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 10/3, có thể thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, góp phần vào sự hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu.
VNDIRECT tin rằng gói kích thích này, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai vaccine, sẽ giúp nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí hồi phục trở lại, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2021 trở đi khi các nền kinh tế lớn được kỳ vọng sẽ mở cửa trở lại.
Đối với năm 2021, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình năm là 97,5 triệu thùng/ngày, và sẽ đạt mức gần tương đương trước dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021.
Sự phục hồi của nhu cầu có thể được hỗ trợ tích cực nhờ nguồn cung tiếp tục bị hạn chế
Mức độ cam kết cao của OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng: Từ tháng 5/2020, các thành viên của OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia và Nga, đã nối lại việc hợp tác ở mức độ cao để đối phó với sự sụt giảm nhu cầu dầu do các biện pháp phong tỏa.
Theo OPEC, tỷ lệ tuân thủ cam kết của các thành viên thuộc tổ chức đạt 103% trong tháng 2/2021. Ngoài ra, việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày là một sự bất ngờ đối với thị trường, và cam kết gia hạn cắt giảm đến tháng 4/2021 là một tín hiệu cho thấy quốc gia này đang tập trung vào việc giảm lượng tồn kho dầu toàn cầu cũng như nỗ lực để hỗ trợ sự phục hồi lành mạnh của giá dầu. Nguồn cung thắt chặt hơn từ phía OPEC+ là lý do chính cho việc điều chỉnh tăng trong dự báo của VNDIRECT.
VNDIRECT kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng kể từ tháng 5/2021 một cách thận trọng tùy thuộc vào tình hình nhu cầu thế giới.
Mức giá thấp trong năm 2020 đã bóp nghẹt ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ: Trong khi đợt giá lạnh ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong ngắn hạn, việc giá dầu giảm sâu trong năm 2020 đã để lại tác động lâu dài đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.
Theo Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ là 403 giàn vào tháng 3/2021, tuy tăng 65% so với mức đáy ghi nhận trong tháng 8/2020 (244 giàn) nhưng chỉ tương đương 43% mức trung bình năm 2019 (khoảng 943 giàn).
EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt khoảng 11 triệu thùng/ngày trong năm 2021, thấp hơn ~10% so với trước dịch do một số nhà sản xuất đã bị loại khỏi ngành vĩnh viễn trong khi một số khác ưu tiên phân phối phần lợi nhuận cao hơn nhờ giá dầu tăng cho cổ đông thay vì tái đầu tư vào sản xuất.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ vào những khó khăn với kế hoạch cải cách các hoạt động cấp phép khai thác dầu khí và cho thuê vùng đất, vùng nước thuộc liên bang (nhằm đối phó với biến đổi khí hậu).
Theo Rystad Energy, chính sách này có thể ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô của Mỹ trong dài hạn, với tác động hạn chế dần sản lượng dầu từ vịnh Mexico để đạt mức giảm 200.000 thùng/ngày vào năm 2030, hay khoảng 250.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày sản lượng hydrocacbon.
VNDIRECT tin rằng đà tăng giá dầu có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, cung cấp những cơ hội việc làm tiềm năng cho các doanh nghiệp thượng nguồn như PVDrilling (PVD) hay PTSC (PVS).
Bên cạnh đó, một số công ty trung nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như PVGas (GAS) do giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới. Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy sản xuất nhựa, phân bón) có thể bị thu hẹp do áp lực tăng của giá dầu.