Cổ phiếu thép đang yếu thế, bất chấp kết quả kinh doanh 'đẹp như mơ'
(DNTO) - Trái ngược với kết quả kinh doanh rực rỡ trong quý 3 của các doanh nghiệp, nhiều cổ phiếu thép vẫn lao dốc trong bối cảnh thị trường tăng trưởng mạnh, VN-Index liên tục lập đỉnh mới.
Mùa kinh doanh bội thu
Kết thúc quý 3, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhóm doanh nghiệp thép vẫn gặt hái lợi nhuận khủng.
Đứng đầu là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) với lãi ròng là 10.351 tỷ đồng, tăng trưởng 173% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của "ông lớn" này. Như vậy, Hòa Phát chỉ đứng sau tên tuổi duy nhất là Vinhomes, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với mức lãi sau thuế là 11.195 tỷ đồng.
Doanh thu từ bán hàng của HPG trong quý 3 đạt hơn 39 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với quý liền trước, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng tài sản tăng gần 15.000 tỷ đồng so với quý 2/2021. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vượt xa mọi dự đoán trước đó của nhiều công ty chứng khoán.
Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) cũng có một quý thành công khi doanh thu thuần đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp tôn thép này báo lãi sau thuế hơn 940 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Chín tháng đầu năm, Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu về gần 4.313 tỷ đồng, tăng trưởng 274% so với cùng kỳ. Đây đều là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục sau 20 năm hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng ghi nhận doanh thu thuần 7.531 tỷ đồng, tăng trưởng 123% so với cùng kỳ. Bất chấp nhiều khoản chi phí tăng mạnh như chi phí bán hàng tăng tới 522%, Nam Kim vẫn báo lãi 607 tỷ đồng trong quý 3, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, NKG đạt lãi ròng 1,773 tỷ đồng, gấp 12.6 lần cùng kỳ và vượt 196% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2021.
Như vậy có thể thấy, nhiều doanh nghiệp thép đã có một mùa kinh doanh bội thu với kết quả cao nhất từ khi đi vào hoạt động đến nay. Tuy nhiên, ngay ở những thời điểm mà các báo cáo tài chính được công bố thì trên thị trường chứng khoán, những cổ phiếu ngành thép từng có thời hoàng kim này lại bất ngờ rơi vào cảnh suy yếu.
Giảm điểm nhiều phiên liên tiếp
Kết phiên giao dịch ngày 2/11, HPG chỉ còn 55.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,36% so với phiên liền trước và mất 2,8% so với ngày cuối tuần. Lực bán với HPG mạnh át chiều mua. Khối ngoại cũng mạnh tay xả HPG.
Cổ phiếu HSG cũng đang trong tuần lao đao. Phiên giao dịch ngày 2/11, HSG chỉ còn 25.800 đồng/cổ phiếu, giảm 3,37% so với cuối tuần, giảm 0,43% so với phiền liền trước và giảm 3,37% so với cuối tuần qua. HSG cũng bị bán mạnh trong tuần. Giống như các doanh nghiệp cùng ngành, cổ phiếu NKG cũng rơi vào cảnh tương tự.
Khi VN-Index liên tục lập đỉnh, nhiều nhóm cổ phiếu tiến lên vùng giá mới thì cổ phiếu thép lại đang cho thấy những dấu hiệu tiêu cực trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Trung Du, chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty Vndirect cho biết, những cổ phiếu này vốn mạnh trên thị trường nhưng đang đi ngược xuống, rõ ràng cho thấy sự chốt lời giữa các cổ phiếu này đang rất quyết liệt, nhà đầu tư đang tìm sang các cơ hội khác. Những cổ phiếu yếu đi so với thị trường chung là đáng quan ngại.
Triển vọng nào cho cổ phiếu thép
Trong dài hạn, nhóm cổ phiếu này được đánh giá nhiều triển vọng dựa trên các yếu tố trong nước như việc đẩy mạnh đầu tư công, các công trình xây dựng sẽ tái khởi động trở lại sau thời gian dài hoạt động cầm chừng khi giá nguyên vật liệu tăng cao và việc ngưng lại do giãn cách xã hội.
Trên thế giới, Trung Quốc, nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, đang siết chặt sản lượng sản xuất thép do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng khiến nguồn cung thép toàn thế giới suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu thép trên thế giới gia tăng khi các gói kích thích kinh tế được đẩy mạnh sau giai đoạn dịch bệnh. Giá thép trên toàn cầu vẫn giữ mức cao, đặc biệt đa số các nước có tỷ lệ lớn sản xuất thép bằng lò EAF.
Bối cảnh trên đang nhiều thuận lợi cho ngành thép Việt Nam, như giá thép Việt Nam cạnh tranh khi sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính, nguồn cung HRC đang dần được tự chủ. Việc Trung Quốc giảm sản lượng xuất khẩu đang tạo điều kiện cho xuất khẩu thép trong nước, đặc biệt các Biện pháp tự vệ quota tại châu Âu khiến nhiều quốc gia khó tăng thêm sản lượng xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên theo báo cáo từ VNDIRECT, trạng thái cân bằng cung - cầu với các sản phẩm thép cũng sẽ sớm được thiết lập lại trong năm 2022 khi giới chức Trung Quốc đang đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Do đó, tiềm năng xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam cũng chỉ là ngắn hạn.
Trong buổi tư vấn nhà đầu tư chiều 2/11, chuyên gia từ VNDIRECT cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư cần chờ đợi chưa nên tham gia khi chưa nhận được tín hiệu tích cực hỗ trợ nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, thép luôn là cổ phiếu nhận được kỳ vọng nhờ những câu chuyện đi cùng như đầu tư công hay hạn chế công nghiệp nặng của Trung Quốc. Về ngắn hạn thì nên chọn HPG là sự lựa chọn tốt hơn, tuy nhiên nên chờ vùng giá xác nhận để tham gia thì xác suất tăng giá cao hơn.