Chứng trầm cảm dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên: Cần nhận diện, hỗ trợ và can thiệp

(DNTO) - Những vụ tự tử của các cô cậu tuổi mới lớn dẫn đến những cái chết rất thương tâm gần đây là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Các nhà chuyên môn chỉ ra nguyên nhân hàng đầu được ghi nhận là do chứng trầm cảm thường bị bỏ qua bởi nhầm lẫn với “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”.
Khoảng 8g30 ngày 21/2 tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM, vào giờ ra chơi, một nữ sinh lớp 10 của trường ra hành lang nói với các bạn "nhảy lầu đây" và tức thì nhảy từ lầu 3 xuống. May mắn nạn nhân rơi xuống mái hiên của lầu một, sau đó mới tiếp tục rơi xuống đất nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết em nữ sinh này từ nhỏ đã ở với bà nội chứ không sống cùng bố mẹ. Có lần bà em chia sẻ với nhà trường rằng từ hồi cấp 2 em đã có dấu hiệu trầm cảm, đôi lúc nói những câu chữ thiếu kiềm chế cảm xúc, tuy nhiên, bà chỉ nghĩ cháu buồn nên nói vậy.
Tương tự, theo xác nhận của bạn bè từ thời học THCS, em cũng từng chia sẻ với các bạn nhiều điều lạ lùng, trong đó có ý định muốn tự tử.

Chứng trầm cảm dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên: Cần nhận diện, hỗ trợ và can thiệp Ảnh: TL
Đối với em nữ sinh trên đây, có thể phải cần có thời gian để em bình tâm trở lại và cần có một cuộc trao đổi cặn kẻ mới biết nguyên nhân chính xác dẫn em đến hành động nông nổi này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình trẻ vị thành niên tự tử trong thời gian gần đây đang ngày càng gia tăng với con số đáng báo động tại nước ta; Căn cứ vào kết quả thống kê trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 (chỉ sau tai nạn giao thông). Còn theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thì mỗi ngày, trung bình có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử… các chuyên gia tâm lý, giáo dục, tâm thần đều đồng thuận chỉ ra nguyên nhân phần lớn là do hội chứng trầm cảm.
Theo Healthy Children, cứ 10 thanh, thiếu niên có ý định tự tử, hơn một nửa trong số đó mắc chứng rối loạn tinh thần như trầm cảm hoặc lo âu. ThS. BSNT. Nguyễn Văn Phi - Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, trầm cảm chính là nguyên nhân và là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến nguy cơ tự sát của thanh thiếu niên.
“Trầm cảm là chứng bệnh về tâm thần học do sự rối loạn hoạt động của não bộ gây ra. Các biến chứng bất thường trong tâm lý đã tạo ra nhiều biến đổi bất thường trong suy nghĩ, hành vi và biểu hiện”. Đây là định nghĩa chuyên môn. Còn nôm na chúng ta có thể hiểu trầm cảm là một căn bệnh xuất phát chủ yếu do stress - lo âu dồn nén tâm lý trong thời gian dài. Người mắc chứng trầm cảm sẽ tự sản sinh ra những tư duy tiêu cực dẫn tới nhiều hành vi làm tổn thương cơ thể và gây nguy hiểm đến những người xung quanh.
Đây là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển của trẻ vị thành niên. Tuy nhiên rất nhiều bậc phụ huynh nhầm tưởng đó là những biến đổi tâm sinh lý tự nhiên, “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương” nên thường bỏ qua.
Thật ra để phân biệt hai trạng thái này là một điều không dễ dàng. Tuy nhiên nếu bố mẹ hoặc người giám hộ trẻ có sự quan tâm, có tình yêu thương cộng thêm những hiểu biết khoa học về bệnh lý trầm cảm thì cũng không quá khó để nhận biết.

Cha mẹ thường xuyên cãi vã cũng là một guyên nhân gây trầm cảm ở trẻ. Ảnh: Tl
Sau đây là những biểu hiện cần bất thường của trẻ có liên quan đến chứng trầm cảm:
Về tâm lý, rõ nét nhất là: Buồn. Bỗng nhiên trẻ trở nên buồn bã kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt học tập và cuộc sống. Tiếp theo là dễ giận dữ, cáu kỉnh, dễ kích động, có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe, mệt mỏi, lo lắng, chán nản, năng lượng cạn kiệt hết, suy nghĩ bi quan, cảm thấy vô dụng hoặc cảm giác có lỗi.
Về thể chất rối loạn giấc ngủ và ăn uống bất thường là biểu hiện dễ thấy nhất.
Giai đoạn nặng của trầm cảm, trẻ luôn suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử và cuối cùng là thực hiện hành vi tự tử bằng mọi cách.
Trầm cảm vị thành niên có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố di truyền chiếm khoảng 40% thì nguyên nhân hàng đầu được ghi nhận hiện nay là áp lực về học tập và thi cử. Trẻ bị bao vây không những từ nhà trường mà còn từ bố mẹ những áp lực đạt mục tiêu, những kỳ vọng quá cao. Thái độ thất vọng, tức giận khi trẻ không đạt được của người lớn khiến trẻ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như mất tự tin, xấu hổ, sợ hãi…dồn nén dẫn đến trầm cảm.
Ở một số trẻ, trầm cảm là do biến cố gặp phải trong cuộc sống như bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, cha mẹ ly hôn, mồ côi… Đặc biệt là tình trạng mất bố hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ, thậm chí mất nhiều người thân cùng một lúc trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên được ghi nhận hiện nay là áp lực về học tập và thi cử. Ảnh: TL
Phòng ngừa trầm cảm dựa vào nguyên nhân là chủ yếu. Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân khách quan không thể ngày một ngày hai có thể cải thiện được.
Cho nên, tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học là giải pháp tối ưu mà phụ huynh cần lưu ý. TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết, trầm cảm hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.