Trẻ em tự sát: Nỗi đau nhức nhối của xã hội
(DNTO) - Tình trạng tự tìm đến cái chết của trẻ vị thành niên không có gì mới nhưng sự “nhỏ hóa” về độ tuổi thật sự làm chúng ta sợ hãi và hoang mang. Nó kêu gọi người lớn hãy nhìn lại, xem xét trách nhiệm của chúng ta đối với con trẻ đang có điều gì bất ổn.
Còn mấy hôm nữa là đến Noel, một lễ hội truyền thống quan trọng được tổ chức khá phổ biến hằng năm trên toàn thế giới. Mặc dù nhân loại vẫn còn đang thấp thỏm lo âu sẽ rơi vào một mùa Giáng sinh buồn vì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang rất căng thẳng, nhưng với trẻ em, nỗi háo hức chờ mong không hề vơi bớt. Vì theo thông lệ, ông già Noel sẽ đi khắp nhân gian, tới từng ngôi nhà để tặng quà cho các trẻ em ngoan.
Chính vào thời điểm các em đang viết (hoặc nhờ) thư cho ông già Noel để “báo cáo thành tích”, kể lại việc mình đã ngoan ngoãn như thế nào và cho ông Noel biết mình thích món quà gì…, thì vụ việc bé trai được cho rằng tự buông mình từ tầng 22 tòa nhà S4 Chung cư Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào tối ngày 16/12, đã khiến dư luận bàng hoàng, thương xót.
Nạn nhân là một học sinh 12 tuổi. Căn cứ vào những sự việc xảy ra có liên quan tại thời điểm đó, gia đình cho biết có thể do em bị áp lực trong việc học hành nên đã có quyết định nông nổi. Tất nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán. Nhưng dù với bất kỳ lý do gì, xảy ra tình trạng trẻ em tự sát là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Nó gióng lên hồi chuông kêu gọi sự vào cuộc của nhà chức trách, của các chuyên gia, của ngành giáo dục và nhất là của gia đình mà trực tiếp là bố mẹ.
Không cần đến những công trình nghiên cứu xã hội học, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những năm gần đây, việc tự tử của trẻ vị thành niên ngày càng có xu hướng gia tăng, tập trung vào các nguyên nhân nổi cộm là áp lực học tập, thi cử và bế tắc trong tình yêu.
Còn nhớ câu chuyện em Nguyễn Thị H. ở thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, treo cổ tự tử tại nhà chỉ vì không đủ điểm chuẩn vào trường đại học mình mong muốn. Cũng liên quan đến việc học tập, một em nữ sinh lớp 10 ở thị xã Tân Châu, An Giang) đã uống thuốc tự tử tại trường làm xôn xao dư luận suốt một thời gian dài.
Tình trạng tự tìm đến cái chết của trẻ vị thành niên không có gì mới nhưng sự “nhỏ hóa” về độ tuổi thật sự làm chúng ta sợ hãi và hoang mang. Nó kêu gọi người lớn hãy nhìn lại, xem xét trách nhiệm của chúng ta đối với con trẻ đang có điều gì bất ổn.
Chúng ta vẫn thường nghe người lớn than phiền áp lực cuộc sống ngày càng khiến họ căng thẳng, thậm chí có nhiều người không vượt qua được lâm vào trầm cảm.
Nhưng chúng ta lại không quan tâm đến việc con trẻ cũng đang đương đầu với một cuộc sống đầy áp lực không thua gì người lớn. Trong đó chủ yếu là áp lực học tập, nhất là trong giai đoạn phải học online như hiện nay. Cộng thêm lứa tuổi ẩm ương, bản thân nó đã tạo nên sự xáo trộn tâm sinh lý rất lớn cho trẻ.
Xác định trách nhiệm là của toàn xã hội nhưng quan trọng vẫn là nhà trường và then chốt chính là gia đình, tại TP.HCM, vài năm gần đây nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống. Thạc sĩ Phan Minh Phương Thùy (khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh là rất lớn, nhưng thực tế công tác tư vấn tâm lý học đường lại chưa mấy hiệu quả do học sinh còn e ngại và chuyên viên tư vấn chưa tạo đủ niềm tin cho các em.
Về phía gia đình, rất nhiều cha mẹ có tâm lý giao phó cho nhà trường vì “không có thời gian” - nhất là những bố mẹ làm nghề kinh doanh. Công việc “làm ăn” đã ngốn hết thời gian của họ khiến sự quan tâm đến con cái bị bỏ lửng.
Nhưng cũng có một số bố mẹ lại quan tâm quá mức dẫn đến buộc con phải học quá nhiều, phải đạt thành tích học tập thật cao, cấm đoán, áp đặt, trừng phạt... Việc áp đặt và buộc con trẻ phải đạt thành tích học tập vượt quá khả năng của trẻ là một áp lực mà trẻ sợ hãi nhất.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, khi con thất bại trong học tập, bố mẹ phải là người an ủi nâng đỡ con, giúp con đứng lên, dành thời gian lắng nghe, phân tích thiệt hơn, trao đổi với con những dự định, kế hoạch về một hướng đi phù hợp.
Không có chỗ bám víu, không có nơi tin cậy để chia sẻ, không có người tư vấn định hướng khi thất bại sẽ đẩy trẻ đến bế tắc và tìm sự giải thoát bằng cách tự sát.
Các ông bố bà mẹ trẻ, hãy bớt những cuộc tiệc tùng, tụ tập, hãy buông điện thoại xuống, hãy dành nhiều nhất thời gian có thể cho con cái. Các thầy cô giáo hãy là những ông bố bà mẹ thứ hai của con trẻ, hãy dành cho chúng nhiều hơn nữa tấm lòng của một người thầy.
Cuối cùng nếu thấy cần thiết, bố mẹ nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý có uy tín.