'Đừng giương buồm khi trời giông bão'
(DNTO) - Thời gian giãn cách xã hội quá dài làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, thậm chí đe dọa lung lay hạnh phúc gia đình. Để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng cần lắm sự bình tĩnh và thấu hiểu.
Được có thời gian để quây quần bên nhau, đó là niềm mơ ước của mọi gia đình, nhất là các gia đình thành thị - nơi mà điều kiện làm việc, học tập cùng với guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống làm cho thời gian gặp gỡ của những người cùng sống trong một mái nhà trở nên hiếm hoi, xa xỉ. Theo các chuyên gia tâm lý, vợ chồng càng có nhiều thời gian gần gũi trò chuyện, càng tạo nên sự gắn kết, yêu thương.
Nhưng thực tế, trong tình hình giãn cách xã hội kéo dài như thế này, tâm trạng của cả vợ lẫn chồng đều không được tốt, việc họ buộc phải ở bên nhau là một thách thức khác. Mọi chuyện xem ra không giống như kết quả mà các chuyên gia tâm lý đã đúc kết.
Rất nhiều gia đình, nhất là các gia đình lao động nghèo thành thị, xảy ra tình trạng vợ chồng suốt ngày hục hặc, cãi vã. Lý do tập trung chủ yếu là do mất thu nhập, do thất nghiệp, do tâm trạng lo lắng bất an vì dịch bệnh, do cuồng chân, do suốt ngày bị con nhỏ quấy phá, việc nhà bủa vây…, có khi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt được phóng đại thành "vấn đề nghiêm trọng"… thế là nổ ra tranh cãi.
Ở những gia đình có người già còn khốn khổ hơn nhiều. Vì không tiếp xúc được với các phương tiện thông tin, không nắm bắt và phân tích tình hình thấu đáo như giới trẻ, nên người già thường bị nhiễu thông tin, cộng thêm sự lo lắng thái quá vốn có của người cao tuổi khiến họ hoang mang, thậm chí hoảng loạn. Họ ra vô than vãn, rầu rĩ, càm ràm khiến con cái bực bội, không khí gia đình thêm căng thẳng.
Nhưng phức tạp hơn hết thảy là ở những gia đình tam tứ đại đồng đường, mô hình gia đình vẫn còn tồn tại không ít ở nước ta. Sự chung đụng gần gũi có giá trị hỗ trợ lẫn nhau ngày thường, nay trở thành bất tiện. Nhà ai nấy ở. Không còn cảnh người lớn tụm năm tụm ba tán gẫu hay con nít tập trung chơi đùa cười nói. Khoảng sân chung trở nên trống trải, không gian yên ắng đìu hiu.
Ai cũng lo lắng, sợ lây lan dịch bệnh, mặc dù không ai nói ra. Trong lòng mỗi người đều không tránh khỏi sự nghi kỵ lẫn nhau. Nhà cô chị sợ nhà cậu em có cô con gái làm phóng viên không thể không ra đường. Cậu em lại sợ nhà bà chị có cậu con trai đi giao hàng suốt ngày tiếp xúc với những ai.
Nhà nọ sợ nhà kia. Người này cảnh giác người nọ. Không khí trong nhà nặng nề, căng thẳng, lặng lẽ, quạnh hiu.
Cho nên, trong những ngày sống trong tâm dịch như thế này, chúng ta cần lắm ở mỗi người sự bình tĩnh và thấu hiểu.
Bình tĩnh để giữ cho mọi hoạt động trong cuộc sống bớt xáo trộn nhất có thể, bình tĩnh để tâm trí sáng suốt nhất có thể. Để giữ được sự bình tĩnh chúng ta cần hiểu rõ diễn biến tình hình dịch bệnh qua các phương tiện truyền thông đáng tin cậy, nhất là tình hình dịch bệnh tại địa phương nơi chúng ta đang sinh sống. Chúng ta cũng cần nắm chắc các triệu chứng, diễn biến của căn bệnh, cách đề phòng, chữa trị… Tất nhiên là những thông tin này cũng phải được tham khảo từ các bác sĩ và nhà chuyên môn có uy tín chứ không phải là những lời “mách bảo vu vơ”. Cũng cần “thủ” sẵn trong nhà một ít thuốc thông dụng và một vài số điện thoại khi cần thiết có thể gọi hỗ trợ.
Cuối cùng rất quan trọng như một thứ vũ khí tinh thần không thể thiếu của chúng ta trong lúc này, đó là sự thấu hiểu. Thấu hiểu để chúng ta thông cảm và thương yêu, nương tựa vào nhau mà vượt qua.
Thấu hiểu cho người đàn ông trụ cột gia đình khi họ không thể kiếm tiền, cảm giác bất lực và cuồng chân. Thấu hiểu cho người phụ nữ với “hằm bà lằng” công việc vụn vặt, con cái bị nhốt trong nhà quấy khóc, lương thực, thực phẩm, tã sữa... đặt hàng không ai giao, hàng giao không chất lượng, giá cả đắt gấp đôi… Thấu hiểu cho người già, tâm lý tình cảm yếu đuối, hiểu biết về dịch bệnh hạn chế… Thấu hiểu cho các bạn nhỏ nhớ thầy cô, bạn bè, trường lớp, thậm chí nhớ… "người yêu".
Thấu hiểu cho những người thân khi họ tỏ ra xa lánh người bị nhiễm bệnh. Sự “kỳ thị” nếu có cũng nên được thấu hiểu nó theo nghĩa tích cực, trong hoàn cảnh dịch bệnh như thế này không có gì đáng trách. Ngược lại, người không may bị nhiễm bệnh, họ cũng rất cần sự thấu hiểu để không rơi vào tâm trạng tủi thân và tuyệt vọng…
Sự thấu hiểu sẽ giúp chúng ta thông cảm cho đối phương, làm cho không khí gia đình bớt căng thẳng, cuộc sống bớt áp lực và như thế chúng ta mới dễ dàng vượt qua được giai đoạn khó khăn này và giữ gìn được hạnh phúc gia đình.
“Thiên tai - dịch bệnh là thứ chúng ta không đoán trước được cũng như không thể ngăn cản được. Hãy bình tâm cùng nhau. Rồi thì mọi thứ sẽ ổn. Đừng giương buồm khi trời giông bão”, nhà văn Hoàng Anh Tú (Chánh Văn) chia sẻ.