Chứng khoán tuần mới (14-18/2): Cẩn trọng với rủi ro từ bên ngoài
(DNTO) - Tuần tới, thị trường dự kiến sẽ đối mặt với nhiều biến động, từ việc lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mạnh tay tăng lãi suất, căng thẳng giữa Nga-Ukraine, cũng như nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Thị trường chứng khoán đã mở đầu năm mới bằng một tuần giao dịch đầy hào hứng khi hầu hết các ngành đều tăng điểm, trong đó phải kể đến ngành thép, hàng không, dầu khí.
Tính chung cả tuần thì VN-Index vẫn giữ được trên mốc 1.500 điểm, với mức tăng hơn 22 điểm, tương đương 1,5% so với tuần giao dịch trước. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh vẫn được duy trì ở mức cao, tuy nhiên nhìn chung mức tăng vẫn chưa có dấu hiệu đột biến. Điểm chưa được tích cực trong tuần qua là việc dòng tiền vẫn đang vào thị trường khá yếu.
Động lực từ sự phục hồi kinh tế
Tiếp nối thành tựu trên, thị trường chứng khoán tuần mới được nhận định có nhiều yếu tố thuận lợi ủng hộ thị trường.
Thứ nhất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang dần được hé lộ đầy đủ cho thấy quá trình hồi phục thuận lợi của các doanh nghiệp sau giai đoạn dịch bệnh. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Chứng khoán Mirae Asset, 360 trong số 405 công ty niêm yết trên sàn HoSE đã công bố báo cáo tài chính, tổng lợi nhuận ròng tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép 2020–2022 là 28,6%/năm, chúng tôi cho rằng định giá của chỉ số vẫn chưa cao với P/E 2022F là 14,2 lần", Mirae Asset cho biết.
Và cũng theo các chuyên gia Mirae Asset, với khả năng thích ứng với bình thường mới gia tăng, quá trình phục hồi của các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ tăng cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thuận lợi.
Hiện tại VND giữ xu hướng tăng giá tương đối so với USD; chỉ số giá tiêu dùng trong nước đang có dấu hiệu hồi phục; lạm phát được kiểm soát ổn định dưới 4%... là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường.
Có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự?
Tuần mới, nhiều yếu tố từ bên ngoài được nhận định có thể ảnh hưởng đến thị trường, phải kể đến như: Việc Fed tăng lãi suất cơ bản hơn 25 điểm trước tình hình lạm phát lên cao nhất mức 40 năm trở lại đây; lợi suất trái phiếu thế giới tăng mạnh từ đầu năm; quan hệ giữa Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng khiến giá dầu tăng cao so với nhiều năm qua, cùng đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, nhà đầu tư càng phải cận trọng, giữ vững tâm lý và chiến lược đầu tư của mình.
Theo SSI nhận định, mốc 1.500 điểm đang hỗ trợ tốt cho chỉ số VN-Index, do đó "chỉ số VN-Index nhiều khả năng quay trở lại xu hướng tăng hướng đến vùng giá mục tiêu đầu tiên tại vùng đỉnh trước 1.537 điểm, và xa hơn là 1.550-1.600 điểm".
Cùng quan điểm, các chuyên gia SHS cũng cho biết: "VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến những ngưỡng cao hơn khi mà dòng tiền quay trở lại thị trường tốt hơn so với tuần qua". Vì vậy, nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để tận dụng xu hướng tăng của thị trường.
Trong khi đó theo Chứng khoán VCBS, "trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự của từng cổ phiếu riêng lẻ và tạm thời ngừng giải ngân mới để quan sát thêm diễn biến trên thị trường trong một vài phiên tới".
Hiện tại VN-Index chưa có khả năng quay lại vùng hỗ trợ 1.480 ngay trong tuần sau. Do đó, "nhà đầu tư vẫn còn khá nhiều thời gian để cơ cấu lại danh mục trước khi thị trường bước vào trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 và mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay", VCBS khuyến nghị.