Chủ đầu tư mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Không có lý do để dừng dự án
(DNTO) - Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đang “treo” suốt 12 năm gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực. Nên dừng hay tiếp tục dự án là câu hỏi đau đầu với nhà quản lý lúc này.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, được phê duyệt năm 2008. Dự án do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, cùng 5 cổ đông góp vốn: Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) và Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng. Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Năm 2011, do nhiều bất cập, Chính phủ tạm dừng dự án, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.
12 năm tạm dừng, dự án chỉ còn đống hoang tàng, để lại hệ lụy đeo đẳng người dân của 5 xã huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Hàng nghìn ha đất sản xuất ngập trong mùa lũ, đồng ruộng xói lở, nguồn nước nhiễm phèn, đất ở không được cấp; tài sản không được đền bù; hạ tầng không được đầu tư xây dựng… ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Có đáng để tiếp tục?
Trong tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”, sáng 16/8, các chuyên gia mổ xẻ lý do nên dừng dự án.
PGS.TS Lê Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cho rằng mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, nhưng nếu so với các mỏ sắt đã được thăm dò trên thế giới thì chỉ chiếm 0,8%. Không phải cứ mỏ sắt to là nên khai thác vì cần tính toán thiệt hơn các yếu tố về môi trường.
“Nếu trồng rau giá 50 nghìn/kg mà đi mua giá tốt là 35 nghìn/kg thì trồng rau làm gì?. Mỏ than Đồng bằng Bắc Bộ ước tính 200 tỷ tấn, nhưng các nhà địa chất cho rằng không nên khai thác vì giá thành sẽ rất cao và để lại hậu quả môi trường vô cùng lớn”, ông Hải nêu ví dụ và cho biết nếu chủ đầu tư cung cấp đủ cơ sở khoa học để đánh giá thì có thể tiếp tục việc khai thác, còn không phải tạm dừng.
Về vấn đề kĩ thuật, theo PGS.TS Trần Bỉnh Chư, Tổng hội Địa chất Việt Nam, đây là mỏ quặng “độc nhất vô nhị” do nằm dưới trầm tích, sát mực nước biển, không giống như các nước khác nằm trên nền đá vững bền. Thân quặng phức tạp nên quá trình khai thác cũng vô cùng phức tạp.
“Ta tưởng tượng giống như con sứa, nếu khoan đúng gân sứa thì sẽ phải vào sâu hàng 700 m và lớn hơn. Mức khoan của ta ở độ sâu 100 m thì làm sao đầy đủ được. Độ sâu thân quặng ở phía Bắc khoảng 14 m, sâu kịch là 706 m. Theo thông số độ sâu cứ xuống 100 mét là nhiệt độ tăng 3 độ C, dưới mỏ quặng có axit sẽ ăn mòn thiết bị. Vì vậy xuống mỗi độ sâu 20 m-50 m-100 m đều phải xây tường vây để bảo vệ, nếu không làm sao mà khai thác được”, ông Chư nói.
Đại diện Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng việc bê nguyên đánh giá về mỏ quặng từ năm 1985 là không ổn. Chưa kể mối liên kết giữa nước bề mặt, nước ngầm, nước biển cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ. “Các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào nhưng đã đánh giá, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng những ảnh hưởng khi khai thác chưa?”, ông Chư đặt câu hỏi.
Cho rằng dự án như “đứa con đẻ non”, ông Trần Thanh Bình, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết do việc lập dự án chưa đảm bảo đúng lộ trình và các căn cứ khoa học, đặc biệt là chưa khoan thăm dò nước ngầm và hang caster như khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài, để lại hệ lụy “chất cao như núi”. Vì vậy, ông Bình đồng tình về kiến nghị của tỉnh với Trung ương “chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”
“Dù nguồn vốn thực hiện dự án không nhỏ, nếu không có giải pháp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng không thể vì thế mà đánh đổi cuộc sống của hơn 13 vạn dân trong vùng mỏ và sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Chủ đầu tư khẳng định không xảy ra thảm họa
Bên cạnh đại diện người dân, chính quyền địa phương Thạch Hà, Hà Tĩnh kêu cứu, thì đại diện chủ đầu tư dự án cũng lên tiếng.
TS Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết sau gần 60 năm nghiên cứu, đến năm 2007, dự án mới đủ điều kiện đưa vào khai thác. Kết luận số 72 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ rằng, về việc giao dự án cho chủ đầu tư triển khai.
Tuy nhiên, do nhiều lý do, năm 2016 dự án mới hoàn thiện và bắt đầu triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh với nội dung khẩn trương hoàn thành thủ tục, bảo đảm hoàn thành triển khai mỏ sắt Thạch Khê vào quý I/2017.
Gần đây nhất, Bộ Chính trị cũng có ý kiến đánh giá toàn diện mỏ sắt Thạch Khê, hoàn thành khai thác trước năm 2030. Như vậy, theo ông Hùng, về pháp lý dự án chưa có văn bản chỉ đạo chỉ đạo dừng.
“Một dự án chỉ có dừng triển khai khi xảy ra 2 điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật. Ở đây, 2 điều nói trên không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng cả”, ông Hùng nói.
Phản biện lại ý kiến của các nhà khoa học, TS Phạm Lê Hùng, đại diện chủ đầu tư cũng đặt câu hỏi “công nghệ thế nào là phù hợp?”. Vị này cho biết mỏ sắt Thạch Khê trải qua 60 năm nghiên cứu, đã khoan 65.000 mũi, xét nghiệm 16.500 mẫu đất đá, quặng, khoáng vật, tất cả đều trong ngưỡng cho phép. Như vậy thảm hoạ môi trường không thể xảy ra.
Về vấn đề khoa học, chủ đầu tư cho rằng kết luận đánh giá tác động môi trường, tác động kỹ thuật đã được Nhà nước thông qua theo đúng quy trình.
“Tôi đã đến thăm Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và thấy rằng, khu mỏ này thừa sức để làm. So với các nước phát triển khác thì hiện nay, công nghệ khai thác của TKV đã rất phát triển. Quan ngại của Hà Tĩnh là nước thải, chúng tôi có 3 hồ thì hồ cuối cùng có thể xả ra môi trường mà không gây ô nhiễm. Chúng tôi lấn biển nhưng không đổ thải ra biển”, ông Hùng khẳng định.