Chỉ số Dow rớt 500 điểm, ảnh hưởng từ Fed và biến động ở Trung Quốc
(DNTO) - Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhấn mạnh thái độ cương quyết trong chiến dịch chống lạm phát. Biến động ở Trung Quốc gây lo ngại ảnh hưởng dây chuyền cung ứng lâu dài.
Cổ phiếu trên thị trường giao dịch Mỹ rớt giá sau khi một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng khẳng định mức tăng lãi suất sẽ còn cao. Ở mặt khác, biến động khó lường đến từ công cuộc chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang làm các nhà đầu tư băn khoăn về rủi ro trên thị trường toàn cầu.
4g sáng (giờ Việt Nam) 29/11, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ đồng loạt giảm. S&P 500 rớt 1,5%, Dow Jones Industrial Average mất 1,45% và Nasdaq Composite đi xuống 1,6%.
Đã có một đợt bán tháo cổ phiếu bắt đầu vào trưa 28/11 (giờ Mỹ), ảnh hưởng bởi các lời bình đến từ một số quan chức Fed. Trong đó bao gồm Giám đốc Fed của St. Louis, James Bullard, nói rằng thị trường cổ phiếu đã “đánh giá thấp” xác suất tăng lãi suất cao hơn. Đồng nghiệp của ông tại New York, John Williams, nhấn mạnh “Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm” để khống chế lạm phát. Phó chủ tịch Lael Brainard cho biết một loạt các vấn đề cho chuỗi cung ứng vẫn đang làm lạm phát dâng cao.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, sẽ có một cuộc họp báo vào thứ Tư sắp tới, rất có thể sẽ là nơi ông ấn định đường lối tăng lãi suất trong tháng 12. Đồng thời, các nhà đầu tư đang trông chờ báo cáo thông số thị trường việc làm tháng 11 từ Bộ Lao động Mỹ, dự kiến sẽ được tung ra vào thứ Sáu tới.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một đợt hồi phục đáng kể trong các tuần vừa qua, nhờ có hy vọng vào việc Fed sẽ giảm mức tăng lãi suất. Nhưng những phát biểu từ quan chức Fed, cộng với biến động tại Trung Quốc đã “bơm” lo ngại vào thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế Trung Quốc đã ở vị thế lung lay trong những tháng vừa qua, khi chính quyền nơi đây cương quyết với các chính sách chống dịch Covid-19 khắt khe. Cuối tuần vừa qua, một loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố của nước này, làm dấy lên lo ngại về tương lai của đất nước được xem là “nhà máy thế giới”. Các chuyên gia đầu tư cho biết họ đang xem xét liệu sự kiện này có thể dẫn đến việc Trung Quốc phong toả nghiêm ngặt hơn, tiếp tục vùi dập nền kinh tế của họ.
“Tôi không nghĩ họ (chính quyền Trung Quốc) muốn chiều theo áp lực của các cuộc biểu tình”, Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho biết. “Nếu việc đóng cửa vẫn tiếp tục, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ thuyên giảm, các chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng… và nhu cầu cho các mặt hàng chủ chốt cũng sẽ xuống thấp”.
Đúng như thế, giá dầu đã giảm, với chỉ số Brent crude xuống 0,5%, giao dịch ở mức $83.19/ thùng. Đây đã là ngày thứ tư giá dầu bị giảm liên tiếp, và đạt mức thấp nhất kể từ hồi tháng 1.
Cổ phiếu các công ty năng lượng cũng theo đà giảm theo. Diamondback Energy rớt 3,7%, Occidental Petroleum xuống 2,1% và Exxon Mobil mất 3%.
Thị trường dầu hoả đã bắt đầu chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ không sớm mở cửa hoàn toàn lại như những hy vọng trước đó.
Các nhà đầu tư cũng đang xem xét biến động ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới như thế nào. Nhất là ở thị trường Mỹ và châu Âu, vốn đã cho thấy các dấu hiệu chậm lại.
Một ví dụ điển hình là công ty công nghệ Apple, sẽ phải chịu giảm sản lượng sản xuất cho gần 6 triệu iPhone Pro do biểu tình tại khu vực nhà máy ở Trịnh Châu. Giá cổ phiếu Apple đã giảm 2,6% trong ngày.
Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông rớt 1,6%, trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 0,7%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 xuống 0,7%.