Chàng trai 9X mê trồng dâu Bạch Tuyết
(DNTO) - Tốt nghiệp Đại học Luật, nhưng Đỗ Minh Thịnh quyết định rẽ ngang con đường kinh doanh nông nghiệp sạch với loại dâu Bạch Tuyết khó trồng nhấ . Sau nhiều mày mò, vượt qua khó khăn, đến nay chàng trai 9x đã gầy dựng với hơn 10 ngàn gốc dâu cho ra thành phẩm có giá 1 triệu đồng/ ký.
Lớn lên tại xứ sở sương mù Đà Lạt, vốn yêu thích làm nông nghiệp nên sau 4 năm học Đại học tại TP.HCM, Đỗ Minh Thịnh quyết định quay trở quê hương khởi nghiệp với nghề trồng rau hữu cơ. Trong quá trình trồng rau, Thịnh cũng quyết định trồng dâu tây trong nhà kính, tuy nhiên sau khi có dịp thử dâu Bạch Tuyết tại nhà một người bạn anh bị quyến rũ bởi loại dâu có vị thơm ngọt, giá trị cao nên đã bắt tay vào trồng thử.
Bắt đầu thử nghiệm với 40 cây giống dâu Bạch Tuyết được bạn tặng, thấy có hiệu quả và thuộc lòng được kiến thức chăm sóc cây nên Thịnh quyết định nhân giống với số lượng lớn, đến nay là 10 ngàn cây.
"Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên ưu đãi như thời tiết mát mẻ, mùa mưa mùa khô phân biệt rõ ràng, thổ nhưỡng cũng rất thuận lợi để trồng dâu tây. Ngoài ra, dâu tây cũng được trồng ở Đà Lạt từ rất lâu nên thị trường đã tương đối ổn định", Thịnh chia sẻ lý do làm nông nghiệp khi triển khai trồng giống dâu này.
Với phương châm mang nông nghiệp về thiên nhiên, anh chàng đã nuôi trồng bằng một phương pháp khác biệt - trồng tự nhiên, ngoài nhà kính. Dâu tây Bạch Tuyết quý hiếm và rất khó trồng, yêu cầu đất phải thoáng, luống cao. Cây cần độ ẩm vừa phải, nếu độ ẩm cao sẽ dễ gây bệnh nên phải điểu chỉnh thật chuẩn.
"Thời gian đầu khó khăn nhiều vô kể, vì tôi bắt đầu một thứ rất mới, lại còn đi ngược với mọi người nên gần như không có thuận lợi nào. Từ vốn, giống cây, kỹ thuật chăm sóc, thời tiết, đóng gói, bảo quản đến đầu ra cho sản phẩm... mọi thứ thực sự rất khó khăn" , Minh Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, với niềm đam mê trồng trọt, Minh Thịnh đã có cách trồng khác biệt. Thay vì trồng trong nhà kính như những người khác, Minh Thịnh muốn là người tiên phong đưa loại dâu này ra trồng ở ngoài trời. Mục đích là để giúp dâu dễ hấp thụ ánh sáng tự nhiên, giảm đi tác động của hiệu ứng nhà kính.
Với sự nhạy bén và tính toán, anh chàng đã tận dụng thiên nhiên, nỗ lực không ngừng để vượt qua những điều kiện không thuận lợi.
Chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về trồng trọt, Minh Thịnh đã tự mày mò, tham khảo khắp các diễn đàn để tự học cách bón phân, cải tạo đất, đắp luống cao cho cây. Được biết, dâu Bạch tuyết là loại cực kỳ khó trồng, khó chăm sóc, chi phí đầu tư cao nhưng năng suất lại thấp. Tuy nhiên, bù lại vị dâu khi đủ nắng thì chất lượng cao, chọn những trái có chất lượng tốt cung ứng ra thị trường, sản phẩm dâu Bạch Tuyết "cháy hàng", không đủ cung ứng cho nhu cầu.
Bên cạnh dâu Bạch Tuyết, hiện khu vườn của chàng nông dân trẻ còn trồng lên đến 30 loại: khoai tây, cà rốt, cà chua, các loại rau,…
Ngoài thu hoạch dâu tây, rau củ bán cho khách có nhu cầu, Minh Thịnh đã mở cửa nông trại, đón du khách tới tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hái, thưởng thức dâu tây ngay tại vườn và cũng có thể mang về làm quà cho người thân. Việc kết hợp hái dâu tây với du lịch đã hạn chế được các chi phí về công và thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn.
“Hữu xạ tự nhiên hương, chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ được thị trường đón nhận. Điều đó là động lực cho anh tiếp tục đầu tư và phát triển theo con đường đã lựa chọn. Mô hình này đã góp phần thu hút khách du lịch đến với TP Đà Lạt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương” - anh Minh Thịnh cho biết.
Đồng hành cùng Đỗ Minh Thịnh là người anh trai Đỗ Minh Tuấn đã hỗ trợ và động viên trên suốt chặng đường làm nông của anh chàng. Minh Tuấn cũng có bật mí nhiều hơn về những khó khăn về quá trình đưa sản lượng ra bên ngoài, điều kiện sản xuất. Trong tương lai, hai anh em cũng có dự định sẽ đầu tư nhiều hơn về khâu quản trị nhân sự, đào tạo nhân công để khu vườn có thể được mở rộng mạnh mẽ và phát triển hơn.