Thầy giáo sinh học chuyển hướng khởi nghiệp làm khô trâu
(DNTO) - Sau 8 năm gắn bó với nghề giáo, anh Trương Lê Huy Hoàng (sinh năm 1988, ngụ khóm Tân Bình, phường An Hòa, TP Sa Đéc) đã rẽ sang con đường khác khi quyết định khởi nghiệp với sản phẩm khô trâu. Anh Hoàng là một trong những người trẻ được ghi nhận khởi nghiệp thành công.
Với công việc kinh doanh hiện tại, ít ai biết rằng ban đầu anh Huy Hoàng xuất phát là một giáo viên. Khi giảng dạy 6 năm tại Đồng Tháp, anh nhận thấy tiềm năng từ khô trâu nên đã dừng công việc giáo viên vào năm 2017 và lên kế hoạch tạo dựng thương hiệu cho món ăn này.
Chia sẻ lý do chuyển nghề từ thầy giáo sang làm kinh doanh, anh Hoàng cho biết ban đầu, ngoài thời gian đi dạy, anh tranh thủ tham gia Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế do Thành Đoàn Sa Đéc tổ chức. Qua quá trình tham gia sinh hoạt, anh dần đam mê việc làm kinh tế và muốn khởi nghiệp.
Năm 2017, anh Hoàng thành lập cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh đặc sản khô trâu Quang Hiển tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Loại khô này ban đầu được Hoàng sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, do bị tiêu hao nhiều hàm lượng dinh dưỡng nên Hoàng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất.
Từ số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng, anh Hoàng bắt tay xây dựng dự án khởi nghiệp. Sau đó, anh đầu tư thêm gần 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, đưa quy trình sản xuất vào khép kín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng năng suất.
Theo Huy Hoàng, thịt trâu thuộc nhóm thịt đỏ, giàu chất dinh dưỡng, về mặt sức khoẻ, thịt trâu tốt hơn thịt bò, vì có ưu điểm ít mỡ hơn. Trong thịt trâu chỉ có 1,6 – 5,6% mỡ so với thịt bò là 10 – 22%. Bên cạnh đó, lượng sắt có trong thịt trâu nhiều hơn hẳn thịt bò. Từ thực tế đó, Huy Hoàng quyết định đầu tư chế biến thịt trâu thành món đặc sản của đồng bằng Nam bộ, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn trong ẩm thực Việt, đồng thời góp phần hỗ trợ người nông dân chăn nuôi.
“Ngày xưa, tôi học chuyên ngành sư phạm sinh học, hay nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng trong các loại sinh vật, thấy thịt trâu là loại thịt tốt cho sức khỏe, giá trị dinh dưỡng, protein và hàm lượng sắt trong thịt trâu cao, hàm lượng cholesterol lại thấp. Mặt khác, hiện tại trên thị trường, thịt trâu Việt Nam rất ít so với các loại thịt nhập khẩu khác, từ suy nghĩ đó tôi muốn tạo ra sản phẩm nâng cao giá trị của thịt trâu” - anh Hoàng cho biết về ý tưởng khởi nghiệp.
Đến nay, sản phẩm khô trâu Quang Hiển của anh Hoàng đã đến tay người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước qua hệ thống siêu thị. Mỗi tháng, cơ sở khô trâu Quang Hiển cung cấp ra thị trường hàng trăm ký sản phẩm với các hương vị ớt hiểm, sả ớt, tiêu...
Anh Hoàng nhìn nhận: “Khởi nghiệp cần phải chịu khó tìm thị trường. Người khởi nghiệp phải tìm đến các điểm bán hàng, nắm bắt phản hồi người tiêu dùng để có sự điều chỉnh phù hợp từ chất lượng, hương vị cho đến bao bì, quy cách đóng gói”.
Đến hôm nay, công ty đã cho ra mắt 3 hương vị khác nhau của khô trâu, kết hợp giữa việc ứng dụng công nghệ cho khâu sản xuất, đóng gói, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống và nguyên bản. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu thị trường, chàng trai trẻ cũng cho ra đời thêm 4 hương vị khác nhau của khô bò.
Hiện tại thương hiệu vẫn tập trung vào khô trâu và khô bò, tuy nhiên trong tương lai, anh sẽ xây dựng chuỗi nhà hàng beefsteak, các sản phẩm thịt bò đóng gói và đặc biệt sẽ mở trang trại để nuôi bò, trâu.
Hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe và chất lượng cao, do vậy Huy Hoàng rất khắt khe trong khâu nguyên liệu, cần phải đạt tiêu chuẩn cho các sản phẩm đầu ra, dẫn đến việc thiếu hụt trong quá trình sản xuất. Không chỉ có mặt tại Việt Nam, Huy Hoàng cũng có tham vọng sẽ đưa thương hiệu ra thị trường nước ngoài trong tương lai.