CEO Gumac Lê Thành Vân: Người thích chơi những cú tất tay và ‘gáo nước lạnh’ từ đại dịch
(DNTO) - Covid-19 đã đập tan những cao ngạo vốn có của vị CEO trẻ khi có được thành công từ sớm và để lại bài học mà trong 10 năm khởi nghiệp của anh Lê Thành Vân, CEO Gumac chưa bao giờ có được.
Vấp ngã từ sự phát triển ‘nóng’
Năm 2011, chàng trai trẻ Lê Thành Vân gác tấm bằng đại học hàng hải để bắt đầu với việc bán hàng online. Thời điểm đó, sự cạnh tranh còn ít nên việc bán hàng trên facebook rất dễ, “cứ đăng lên là bán được”. Sau một thời gian miệt mài làm việc từ 6g sáng đến 12g đêm, Vân đã có thể mua được nhà tại TP.HCM.
Giai đoạn 2014, nhận thấy trên thị trường chưa có thương hiệu thời trang nữ phân khúc bình dân, Vân rẽ hướng khởi nghiệp với Gumac. Như “cá gặp nước”, thương hiệu thời trang Gumac nhanh chóng được thị trường đón nhận. Từ cửa hàng 30m2 ban đầu, Gumac liên tiếp mở rộng 60-70 cửa hàng chỉ trong 3-4 năm; đến năm 2020 đã đạt tới 80 cửa hàng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều người trở tay không kịp, Lê Thành Vân cũng không ngoại lệ. Gumac phải đóng cửa văn phòng miền Bắc và hơn 20 cửa hàng lớn nhất.
Việc đóng cửa các showroom truyền thống là tình trạng chung của các hãng thời trang, và với một trong những người thạo bán hàng online như Lê Thành Vân, đó chưa hẳn là cú sốc lớn. Điều thực sự khiến Gumac lao đao trong dịch đến từ việc doanh nghiệp này đã đi quá nhanh bằng các cú tất tay trước đó.
“Những năm đó, tôi rong ruổi khắp 50-60 tỉnh thành để tìm kiếm mặt bằng nhằm mở cửa hàng. Việc dồn hết tài chính mở văn phòng, cửa hàng to đẹp trong khi nguồn lực chưa đủ, kinh nghiệm còn thiếu rất nhiều và việc chọn nhân sự cũng rất vội vã khiến cả chuỗi của Gumac sụp đổ bởi dịch Covid-19, nhân viên ra vào liên tục, không tạo nên văn hóa như trước”, CEO Lê Thành Vân chia sẻ.
Chậm lại để biết ‘mình là ai’
Vấp ngã từ Covid- 19 có thể khiến Gumac đến hết quý 2 năm sau mới có thể hồi phục nhưng nó đã tạo ra bàn đạp và hành trình mới, hành trình với tầm nhìn lớn hơn, cần bản lĩnh, nội lực, kinh nghiệm và sự va vấp và sự thấu hiểu bản thân, doanh nghiệp của CEO trẻ Lê Thành Vân.
“Bài học thấm nhất là đến từ những thất bại chứ không phải từ thành công. Những người thành công đều nói là những bài học thất bại mới đáng giá, và đến bây giờ bản thân tôi mới thấm điều đó rõ ràng. Trước tôi không nghe vì hơi tự tin, nghĩ rằng mình đang thành công nên không sợ thất bại. Sự thành công dẫn đến cao ngạo khiến tôi lười học hơn, ham chơi hơn, không dành thời gian và tâm huyết nhiều cho công việc thì đương nhiên mọi thứ không tốt”, anh Vân trải lòng.
Quan trọng nhất đối với Lê Thành Vân lúc này chính là Gumac đã biết được mình đang ở đâu, còn yếu gì để cải thiện. Cú ngã của Gumac không hẳn đến từ đại dịch mà anh Vân cho rằng do chính bản thân mình không lường trước được những khó khăn, còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản trị doanh nghiệp.
“Cú vấp ngã Covid- 19 khiến tôi hoa mày chóng mặt. Sau đó mọi thứ được sáng tỏ. Đối với tôi, mọi thứ trên đời đều có giá của nó”.
Lột xác để trở lại mạnh mẽ
Covid-19 không vùi dập được Gumac thì sẽ khiến doanh nghiệp này trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn. Trong giai đoạn trở lại, CEO Lê Thành Vân dồn lực tái thiết sản phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, chuẩn chỉnh hơn.
“Khi rà soát lại, tôi phát hiện rất nhiều sản phẩm yếu, dù bán giá không cao nhưng không vì thế mà làm sản phẩm kém đi”, Vân nói.
Ngoài ra, vị CEO trẻ cho biết sẽ biến Gumac thành nơi đáng làm việc, thành doanh nghiệp hạnh phúc để giữ chân nhân tài và thu hút thêm người giỏi, cùng chung tầm nhìn, chí hướng.
Trong thời gian tới, thay vì “chọn đối tác rất cẩu thả”, Gumac sẽ xây dựng chính sách nhượng quyền theo chuẩn mới, song song với đó là những showroom tự mở với mục tiêu phát triển 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Sau nhiều lần từ chối các nhà đầu tư, năm 2022, Gumac sẽ mở cửa đón “cá mập” vì CEO Thành Vân cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải lớn, trong khi các quỹ đầu tư có tài chính mạnh, kinh nghiệm và kênh phân phối sẽ giúp Gumac có thể tiến ra quốc tế. Trước mắt, Gumac sẽ tiến ra Đông Nam Á qua kênh thương mại điện tử là Shopee và Lazada.
“Trước đây tham vọng nhiều quá, trong khi sức yếu, tài chính eo hẹp nhưng thời gian tới phải có sự chuẩn bị tốt hơn. Kinh doanh là chặng đường dài tích lũy và có sự hợp lực của rất nhiều người. Khó khăn là chất liệu không phải ai cũng có, tôi trân trọng và biết ơn những thất bại để tự tin vững bước”, CEO Lê Thành Vân chia sẻ.