Cẩn trọng với tâm lý 'trả thù' hậu đại dịch
(DNTO) - Phần đông các bạn trẻ cho rằng xu hướng "trả thù" Covid-19 sau thời gian dài giãn cách là biện pháp giải tỏa ức chế. Tuy nhiên, xu hướng này vô hình trung có thể khiến những nỗ lực phòng, chống dịch thời gian qua đổ vỡ và gây khó khăn cho công tác phòng dịch trong tình hình bình thường mới.
Từ đầu tháng 10 đến nay, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam - những nơi là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư - dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để bắt đầu tiến trình khôi phục bình thường mới. Rào thép gai được dỡ, dây phong tỏa tháo xuống, những cánh cửa im lìm suốt nhiều tháng qua cũng được người dân mở ra. Nhịp sống bình thường dần dà được khôi phục.
Trong thời gian giãn cách, mỗi người dân mang những nỗi niềm khác nhau, người mong sớm được trở lại công sở sau thời gian dài làm việc tại nhà, người lại mong có thể thỏa thích mua sắm, du lịch sau nhiều tháng trời "bó gối". Tâm lý này đã hình thành nên một mong muốn "trả thù" sau đại dịch.
"Du lịch trả thù", "mua sắm trả thù" là những cụm từ được nhắc đến nhiều trong giai đoạn hậu đại dịch, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Niềm vui mua sắm giải tỏa phần nào ức chế do giãn cách
Trên thực tế, khái niệm "mua sắm trả thù" không phải mới xuất hiện sau giãn cách, trong những ngày phong tỏa, nhiều người xem việc mua sắm online như là một biện pháp giải tỏa tâm lý bí bách.
Với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam được biết đến như một thị trường nhiều cơ hội và tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước. Dưới tác động của dịch Covid-19 và hạn chế du lịch, khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng trong nước, vì vậy, nhu cầu nội địa cho thị trường bán lẻ không bị ảnh hưởng nhiều.
Chị Hồng (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, trong thời gian giãn cách, chị vẫn phải làm việc ở nhà. Ngoài thời gian làm việc trong giờ hành chính, thời gian còn lại chị thường vào các trang thương mại điện tử để xem và đặt mua hàng.
"Tôi chỉ quanh quẩn trong nhà suốt nhiều tháng trời, ăn uống cũng không gặp khó khăn mấy do có thực phẩm gia đình ở quê tiếp tế, phường cũng thường cho những lương thực thực phẩm cần thiết, tiền phòng trọ cũng được giảm 50% nên xem như bớt được một khoản chi tiêu.
Nhờ tiết kiệm được nên tôi tranh thủ đặt mua những món đồ đắt tiền hơn bình thường, chủ yếu là quần áo và mỹ phẩm. Cảm giác vui khi nhận đồ giúp tôi tạm quên đi những thiếu thốn trong giãn cách", chị Hồng chia sẻ.
Không chỉ chị Hồng có niềm vui như vậy, đây còn là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ khi xem việc vung tiền mua sắm như một cách "trả thù đại dịch".
Nếu như xu hướng mua sắm trả thù tạo nên một cuộc kích cầu cho ngành bán lẻ sau nhiều tháng đình trệ thì việc "du lịch trả thù" lại tạo nên nguy cơ tiềm tàng về việc tái bùng phát dịch trở lại.
Du lịch hậu Covid-19: Nguy cơ tái bùng phát dịch
Ngày 16/10, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép một số hoạt động mở cửa trở lại, bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm khi vào tỉnh, nới lỏng việc đi lại của người dân và cho phép tắm biển trở lại. Những ngày sau đó, trên tuyến quốc lộ 51 hướng về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn chật cứng xe cộ của người dân TP.HCM đến tắm biển, du lịch. Điều đáng lo là nhiều người không tuân thủ nghiêm quy định 5K trong công tác phòng, chống dịch. Tình trạng này làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh. Những người này đều đi chơi trong ngày vì nhà nghỉ, khách sạn chưa được hoạt động, không thể ở qua đêm.
Trả lời báo chí, Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa, chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 cho biết, lưu lượng xe qua trạm thu phí T3 trong 2 ngày 23 và 24/10 đạt trên 25 ngàn lượt, tăng 28% so với ngày thường.
Chứng kiến cảnh những dòng xe - người nêm cứng, chúng ta không thể không lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan. Mặc dù các địa phương đã kiểm soát được dịch nhưng vẫn chưa thể khống chế, cả nước mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới, mặc dù chiều hướng đã giảm so với trước đây nhưng nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn rất cao. Một bộ phận người dân sau khi nới lỏng giãn cách đã chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch, không tuân thủ 5K, điều này tạo nên một nguy cơ cao nếu để dịch tái bùng phát trở lại.
Bạn Thục Anh (Đồng Nai) cho rằng tâm lý "du lịch trả thù" là vô cùng mạo hiểm. "Chúng ta không thể biết virus đang hiện diện ở đâu, khi nào mình bị lây nhiễm. Cộng thêm tâm lý chủ quan của mọi người là đã tiêm 2 mũi vaccine, đã có thẻ xanh thì có thể vi vu mọi nơi càng nguy hiểm hơn, bởi khi tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể nhiễm bệnh và lây cho người khác. Nhưng vì nhu cầu giải trí của các bạn trẻ không được đáp ứng trong 4-5 tháng qua thì khó có thể vượt qua được tâm lý "trả thù Covid" này.
Thế nên chúng ta cần thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K hay các điều kiện bắt buộc nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đặc biệt các cấp có thẩm quyền cần đưa ra những tiêu chí đảm bảo an toàn cho người dân cũng như cho xã hội."
"Tôi nghĩ tâm lý "trả thù Covid" xuất phát từ việc phải ở nhà quá lâu. Nếu ở nhà một mình lâu quá có thể khiến bạn mất ngủ, trầm cảm và giảm khả năng giao tiếp thì nên gặp bạn bè, đi đây đi đó là biện pháp cải thiện tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận hết giãn cách chưa phải là hết dịch, mà sẽ là một bình thường mới. Theo đó, nhu cầu sinh hoạt của chúng ta cần phải đi kèm với các biện pháp phòng chống dịch cẩn thận. Với mình, tâm thế tích cực cùng biện pháp 5K là cách tốt nhất để làm việc, khôi phục kinh tế, khôi phục cảm xúc sau một thời gian dài giãn cách", anh Trọng Phúc, một nhân viên truyền thông nói với Doanh Nhân Trẻ.
Có thể nói, "du lịch trả thù” dù được giới chuyên môn đánh giá là một yếu tố kích cầu du lịch, nhưng hiện tượng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bùng phát trở lại, khi du khách quyết định “thả trôi” sự an toàn của mình theo những chuyến du lịch tùy hứng, ồ ạt, thiếu cẩn trọng.