Cần có hướng dẫn cụ thể về dự thảo quy định nộp thuế bằng ngoại tệ
(DNTO) - Hôm nay 22/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Trên thực tế, văn bản này khi đi vào đời sống sẽ có những ảnh hưởng liên quan đến các hoạt động về thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI khẳng định, đây là một Thông tư quan trọng, khi được ban hành sẽ tác động, ảnh hưởng tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, hội thảo được mở ra tạo cơ hội để các doanh nghiệp đề xuất ý kiến, tham gia góp ý cho Dự thảo.
Đại diện VCCI nêu rõ, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế, có một số nội chính, bao gồm: Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế; xử lý bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, hoàn thuế nộp thừa…
Về nội dung nộp thuế bằng ngoại tệ, dự thảo Thông tư có riêng một điều quy định về điều này và tỷ giá quy đổi. Phân tích về nội dung này, bà Bùi Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, chỉ ra đó là các trường hợp khai thuế và nộp thuế đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai và nộp phí, lệ phí và các khoản thu khác do của các cơ quan đại diện ở nước ngoài thực hiện thu và đối với các cơ quan, tổ chức được phép thu bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, bà Hải nhấn mạnh một số trường hợp sẽ tác động nhiều đến các cá nhân, doanh nghiệp, đó là việc khai thuế và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài hay đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng ngoại tệ (thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BTC, ngày 22/1/2021)
Về cách thức thực hiện, Thông tư chỉ ra hai trường hợp cụ thể đối khai thuế và nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đó là người nộp thuế thực hiện hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính bằng đồng Việt Nam thì quyết toán thuế theo đồng Việt Nam và tỷ giá quy đổi theo giá mua vào của ngân hàng được thực hiện giao dịch nộp thuế. Ngoài ra, người nộp thực hiện hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính bằng ngoại tệ theo chấp thuận của Bộ Tài chính, thì tỷ giá quy đổi từ ngoại tệ tự do sẽ chuyển đổi sang loại ngoại tệ hạch toán.
Giải thích lý do có các quy định mới tại Thông tư, bà Hải cho biết, một số khoản phí, lệ phí đã được thu bằng ngoại tệ theo quy định. Song, đồng tiền khai thuế, nộp thuế là đồng Việt Nam dẫn đến sự không thống nhất giữa đồng tiền xác định mức thu phí, lệ phí với đồng tiền xác định nghĩa vụ nộp phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước… Để đơn giản thủ tục, dự thảo đề xuất bổ sung quy định các loại phí này được khai, nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Cần xây dựng Thông tư rõ ràng, minh bạch, giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hoạt động
Liên quan đến nội dung này, đại diện của Công ty Tư vấn Ernst & Young Việt Nam cho rằng, dự thảo Thông tư mới đưa ra hướng dẫn áp dụng tỷ giá quy đổi cho 1 trường hợp nhất định (nộp thuế bằng ngoại tệ tư do chuyển đổi) mà chưa có hướng dẫn cụ thể về tỷ giá tính thuế trong các trường hợp khác (như quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC trước đây).
Ngoài ra, Thông tư mới quy định chưa rõ ràng đối với tỷ giá để kê khai thuế nhà thầu. Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi và hiện đang có nhiều công văn hướng dẫn khác nhau, dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi muốn xác định tỷ giá cần áp dụng cho trường hợp của mình.
Đại diện công này cắt nghĩa, đối với thuế nhà thầu nước ngoài, đây là nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài, bên Việt Nam chỉ là người khấu trừ và nộp thay. Theo đó, cơ sở tính thuế vẫn là doanh thu của nhà thầu theo từng lần thanh toán. Vì vậy, cần áp dụng đúng nguyên tắc tỷ giá mua của ngân hàng thương mại. Trường hợp nhà thầu không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam thì vận dụng tài khoản của bên Việt Nam là đơn vị kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài.
“Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất, bình đằng, không phân biệt hình thức đăng ký thuế, kê khai thuế của nhà thầu nước ngoài đồng thời đảm bảo việc quản lý thuế được chặt chẽ, thống nhất từ phía các cục thuế khác nhau,” vị đại diện nói.
Về phần mình, GS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính Việt Nam bày tỏ: Xây dựng Thông tư phải có xu hướng rõ ràng, minh bạch, để từ đó Thông tư, văn bản không tản mát như trước, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đầu tư.
“Tại chương 2, cần làm rõ ngoại tệ nào là được tự do chuyển đổi. Như thế sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí, thời gian, công việc của họ. Làm rõ giá ngoại tệ mua vào, bán ra ở thời điểm nào… Nguyên tắc khi nộp thuế ở đâu thì khấu trừ ở đó, nhưng ở đây nộp thuế và khấu trừ đang tách rời nhau, như vậy là không ổn. Về nguyên tắc tôi nộp thuế thì tôi được khấu trừ”, GS. Thịnh nói.
Đặc biệt, ông Thịnh đề cập đến trách nhiệm nộp thuế của sàn thương mại điện tử. Ông nêu rõ: “Trong hướng dẫn tại Thông tư này cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm và việc kê khai thuế đối đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức thương mại điện tử”.