Cần có chiến lược phù hợp để 'hút' các dự án đầu tư thực chất từ các nước Trung Đông
(DNTO) - Tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông rất lớn, do vậy, cần có cách tiếp cận mới để biến những tiềm năng đó thành những dự án đầu tư thực chất, nâng cao kim ngạch thương mại, thu hút vốn đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và có xu hướng đầu tư ra nước ngoài theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với chuyển đổi số, ưu tiên các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, tài chính, năng lượng sạch, công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh…
Tại Hội thảo "Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới", ngày 26/8, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, các nước Trung Đông rất đa dạng và linh hoạt về hình thức đầu tư. Đây là cơ hội rất lớn cho các nước có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế sâu rộng với nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Theo đó, với tinh thần chủ động hợp tác sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã trở thành ‘mắt xích’ quan trọng, nhiều bên cho nền kinh tế toàn cầu và khu vực.
"Việt Nam có nhiều thế mạnh và tiềm năng trong thu hút đầu tư nước ngoài như vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ vào Đông Nam Á với thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân. Việt Nam luôn duy trì ổn định chính trị-xã hội, sự phát triển kinh tế năng động và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong 5 năm qua" - ông Hiệu nhận định.
Ngoài ra, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP,… môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ theo hướng minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Điểm qua những thế mạnh và tiềm năng của các quốc gia khu vực Trung Đông, ông Hiệu cho biết, Trung Đông không chỉ nổi tiếng với tiềm năng về trữ lượng dầu khí, mà còn có tiềm năng rất lớn về nguồn lực tài chính, nhiều quỹ đầu tư công uy tín và lớn nhất thế giới với tổng số vốn trên 2.000 tỷ USD, 4/10 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới ở Trung Đông, chiếm hơn 40% tổng tài sản quỹ đầu tư công thuộc chính phủ trên phạm vi toàn cầu.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quốc gia Trung Đông có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn trên 900 triệu USD.
Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông thông qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp của các nước Anh, Mỹ… tích cực đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, du lịch.
Điều đó cho thấy, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông rất lớn, dư địa còn nhiều. Tuy nhiên, thực tế kết quả đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư. Do đó, cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt, thực chất và hiệu quả hơn.
Để tạo đột phá mới, biến cơ hội thành kết quả đầu tư cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng hợp tác.
Thứ nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực mạnh trở thành đối tác với các doanh nghiệp Trung Đông, đa dạng hóa hình thức đầu tư như đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hợp tác ba bên hay nhiều bên hoặc lập các quỹ đầu tư chung; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nhân rộng các mô hình thu hút đầu tư thành công tại khu vực (tương tự mô hình dự án lọc dầu Nghi Sơn).
Thứ hai, xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các quỹ đầu tư, thể chế tài chính Việt Nam với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông đầu tư vào các chương trình hạ tầng lớn của Việt Nam như dự án hạ tầng giao thông, dự án môi trường, hạ tầng khu công nghiệp...
Thứ ba, cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu các thực phẩm Halal, sản phẩm nông sản, hoa quả, thủy hải sản… từ Việt Nam. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng tại các quốc gia Trung Đông để trở thành đầu mối xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông lâm sản sang các quốc gia Vùng Vịnh và Trung Đông rộng lớn.