Các ổ dịch nguy hiểm nhất đã được khống chế, khóa chặt
(DNTO) - Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người trực tiếp tham gia đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương nhận định, các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế, “khóa chặt”, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.
Ông Dương cho biết, đợt dịch lần này cho đến nay đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương. Có thể nói, ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả các địa phương đã rất nỗ lưc và trách nhiệm với tinh thần cao nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.
Cùng với nỗ lực cao nhất của các địa phương cũng như các lực lượng chống dịch, đến hôm nay 6/2, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và “khóa chặt”, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại công ty Poyun, Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.
Nói về chiến lược điều chỉnh trong việc đối phó với đợt dịch lần này của Bộ Y tế, TS. Dương cho biết: “Đợt dịch lần này chúng ta phải đối mặt với kẻ thù vô hình nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng kiểu Anh của virus. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh, và mạnh. Thực tế ở Việt Nam, số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, cho nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn”.
Theo TS. Dương, để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới, chúng ta phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm, nếu như trước đây chủ yếu ta làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5, thì đến tâm dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm mẫu rất lớn.
Gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.
Thay đổi thứ hai là trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà, bởi vì trên thực tế nhiều trẻ em rất nhỏ ở các trường mẫu giáo đã trở thành F1 khi trong trường có ca mắc bệnh.
Việc cách ly trẻ nhỏ tại khu cách ly tập trung rất phức tạp, đòi hỏi cha mẹ phải đi theo chăm sóc rồi chế độ ăn cũng không thể đáp ứng được. Chính vì vậy Bộ Y tế đã cho phép nhóm trẻ dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà chặt chẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông, người trông phải có sức khỏe tốt và không có các yếu tố nguy cơ bị bệnh tăng nặng đi kèm.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng được áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung một cách phù hợp dễ áp dụng hơn mà vẫn đảm bảo an toàn.
Thay đổi thứ ba, là việc giải tỏa lưu thông hàng hóa từ khu vực có dịch bởi vì việc lưu thông hàng hóa trong vùng dịch là rất khó khăn, chính vì vậy phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không được ngăn sông cấm chợ. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn việc kiểm soát an toàn y tế cho hàng hóa, phương tiện và lái xe tham gia chở hàng. Lái xe được phép ra, vào, nhưng phải áp dụng các biện pháp chống dịch, phòng hộ cá nhân và xét nghiệm định kỳ khi tham gia vận chuyển hàng hóa qua vùng dịch. Điều này sẽ giúp cho hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại gỡ khó cho nhân dân trong vùng dịch.
Lý giải về việc tại sao không cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà, ông Dương cho rằng, F1 là người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính nên nguy cơ bị mắc bệnh là rất cao. Có thể nói, F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu để cách ly F1 tại nhà có 2 nguy cơ lớn mà chúng ta phải đối mặt.
Thứ nhất, việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng.
Nhưng nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức, đó là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình thì nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn.
Các tổng kết của thế giới thấy, nếu để F1 trở thành F0 ở trong cùng một nhà thì có thể làm lây cho 80% đến 100% thành viên trong gia đình.
“Các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống, khi bị lây nhiễm sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho những người trong cùng gia đình (người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai…). Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ vừa làm vừa suy nghĩ tổng kết kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo được an toàn”, TS. Dương nói.